UBND TPHCM vừa giao các đơn vị chức năng soạn dự thảo quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy nhằm giảm TNGT và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi chủ trương này mới đang “lên khuôn” thì đã có nhiều ý kiến “chấm điểm” đúng sai.
Theo Công an TPHCM - đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo nói trên để kiến nghị Chính phủ xem xét - đối tượng phương tiện nằm trong quy chế bao gồm xe gắn máy, xe mô tô hai-ba bánh và cả xe điện. Đơn vị chức năng này cũng cho rằng, việc tràn lan xe “quá đát” đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) và tiểm ẩn nguy cơ TNGT nhưng không thể tịch thu, vì thế khi quy chế được đưa ra áp dụng sẽ là giải pháp hữu hiệu.
“Cấm xe máy cũ là cấm người nghèo mưu sinh”
Luận bàn về chủ trương của TPHCM với dự thảo quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy, PGS TS. Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết xe cá nhân không quy định theo thời gian sử dụng từ năm nào đến năm nào hay trong khoảng bao lâu, việc cấm cũng không thể nói chung chung theo niên hạn lưu hành mà chỉ có thể cấm theo tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải, tiếng nổ, môi trường...
Ông Toản dẫn chứng các nước trên thế giới họ cho sử dụng và lưu hành đối với những xe được sản xuất cách nay tới 30-40 năm vì xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế có những chiếc xe người ta mua đã 20 năm, nhưng mỗi ngày họ chỉ dùng vài tiếng, mỗi tháng chỉ đi vài ngày nên độ hao mòn ít và xe của họ vẫn rất tốt.
Nhiều người dân nghèo vẫn phải sử dụng xe máy cũ để mưu sinh.
Nói về nhận định xe cũ, xe quá niên hạn lưu hành là “tội đồ” gây TNGT và tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên đường phố, ông Toản đã bác bỏ điều này và cho rằng cần có thống kê cụ thể. Xe cũ hay xe mới đều phải đối xử công bằng như nhau, nói xe nào gây ra TNGT nhiều hay ít cũng phải có thống kê cụ thể. TNGT không do tuổi xe, bởi thực tế xe cũ thường chỉ có thể chạy với tốc độ vừa phải thì ít có khả năng gây tai nạn, trong khi nhiều vụ đã xảy ra cho thấy do phóng nhanh vượt ẩu mà đạt đến tốc độ gây tai nạn thì chỉ có xe mới làm được.
Lý giải việc hiện nay vẫn còn nhiều xe cũ lưu hành, ông Toản nhìn nhận ở góc độ dân sinh và năng lực tài chính của mỗi chủ phương tiện. Theo ông Toản, nếu cấm xe cũ để cho toàn xã hội được đi xe mới thì rất nên, nhưng đó là điều không bao giờ có thể làm được.
Ông Toản chia sẻ: “Không ai muốn lóc cóc đi trên đường với một chiếc xe cũ mà tất cả đều thích sử dụng xe mới, nhưng người dân nghèo không có tiền để mua xe mới nên họ buộc phải mưu sinh bằng những chiếc xe cũ. Vì vậy, cấm xe cũ là thiếu nhân văn, cấm xe cũ có nghĩa là cấm người nghèo đi xe máy, cấm người nghèo mưu sinh”.
Phân tích về tương lai sử dụng phương tiện giao thông tại TP.HCM, Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ông Toản cho rằng trong bối cảnh giao thông công cộng ở nước ta chưa phát triển, khi xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân thì không thể cấm xe máy mà ngược lại nên khuyến khích sử dụng xe máy để giải quyết vấn đề ùn tắc trong đô thị (bởi tác nhân gây ùn tắc chủ yếu là do xe ô tô chứ không phải xe máy). Còn khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3.000 USD trở lên, dân chúng đã có nhiều tiền, giao thông công cộng phát triển thì chắc rằng ngoài đường sẽ không còn bóng dáng xe máy nữa.
Sẽ đăng kiểm đối với xe máy
Liên quan đến chủ trương xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy,ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải)cho biết mới chỉ nghe nói chứ chưa thấy TP.HCM có ý kiến hỏi Cục về việc này, tuy nhiên ông Giao cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều người nên cần phải bàn kỹ.
Sẽ đăng kiểm an toàn kỹ thuật đối với xe máy.
Theo ông Giao, nếu TP.HCM ra văn bản quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường là đặt ra vấn đúng, nhưng khi giải quyết xử lý như thế nào, quy định tuổi xe bao nhiêu là vấn đề khó.
Đối với nhiều nước trên thế giới việc đăng kiểm phương tiện được thực hiện đối với cả ô tô và xe máy, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ đăng kiểm đối với ô tô nhằm kiểm tra an toàn kỹ thuật, còn xe máy thì không áp dụng quy định này. Đã có ý kiến cho rằng việc không đăng kiểm đối với xe máy có nghĩa đã công nhận nó là “phần tử” không nguy hiểm. Tuy nhiên, với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và mới nhất là có thể TP.HCM sẽ áp dụng quy chế tối thiểu lưu hành, niên hạn lưu hành đối với xe máy thì việc thực hiện đăng kiểm với loại phương tiện này có phải là một giải pháp tốt?
Ông Giao cho hay: “Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về kiểm tra khí thải đối với xe máy để bảo vệ môi trường, nhưng lộ trình triển khai cụ thể thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ trình trong năm nay - 2012, trước tiên là kiểm tra khí thải đối với xe máy ở các thành phố lớn và sau đó là các địa phương trên cả nước. Mới đây, sau khi có cháy nổ xe thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với cả xe máy”.
Cũng theo ông Giao, trước khi làm về niên hạn thì nên kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật để phương tiện dù cũ nhưng đảm bảo an toàn thì vẫn cho lưu hành, phương tiện nào chưa đảm bảo thì yêu cầu sửa chữa, còn nếu không sửa chữa được nữa thì mới quy định loại bỏ.