'Cấm trông giữ xe, cả thủ đô hưởng lợi'

annbui |

"Cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố, chỉ một bộ phận nhỏ bị ảnh hưởng, nhưng cả thủ đô được hưởng lợi".

Sáng 20/2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc làm việc với UBND Hà Nội về các giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Thăng cho rằng Hà Nội thành công bước đầu vì tai nạn và ùn tắc đã giảm nhiều. Ông đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương học tập tấm gương của Hà Nội trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

"Việc cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố, nếu nói dễ cho chính quyền khó cho dân là không đúng. Bởi chỉ có một bộ phận nhỏ bị ảnh hưởng nhưng cả thủ đô được hưởng lợi vì vỉa hè lòng đường thông thoáng, giao thông đi lại thuận lợi", ông Thăng bày tỏ.

Do vậy, theo lãnh đạo ngành giao thông, để góp phần giảm tai nạn và ùn tắc rất cần người dân cùng vào cuộc, cùng hưởng ứng việc thu phí bảo trì đường bộ, thu phí phương tiện để đầu tư hạ tầng, hạn chế phương tiện cá nhân. "Không nên nói thu nhiều mà mục đích của vấn đề là làm gì có lợi cho dân", ông Thăng bày tỏ.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với các giải pháp mà Hà Nội đang thực hiện như cấm trông giữ phương tiện ở vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố; điều chỉnh giờ học tập và làm việc; phân làn phương tiện; cấm taxi, xe tải lưu thông ở một số tuyến phố nội đô... cũng như xây dựng các cầu vượt qua nút giao.

Xe ôtô cá nhân gia tăng mạnh trong khi hạ tầng còn nhiều bất cập. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để đạt các tiêu chí ở mức cao hơn, giảm 20% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông; giảm 30% số vụ tai nạn và xây dựng lộ trình xóa bỏ 70% số điểm đen...

Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung xây dựng các điểm đỗ xe theo quy hoạch; có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Thành phố cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, nhất là khu vực trung tâm, tuyến vành đai; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tiếp tục phân làn phương tiện, cấm trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè 262 tuyến phố.

Phó thủ tướng đã cơ bản nhất trí với các kiến nghị của lãnh đạo Hà Nội như chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội để nghiên cứu, sớm di dời và giãn các cơ sở đào tạo, trường đại học, bệnh viện và cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô trong giai đoạn 2012-2015; đề xuất ban hành cơ chế nhằm từng bước quản lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tăng mức phí giao thông đối với phương tiện cá nhân để hạn chế, tạo nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị...

Tại buổi làm việc, nhiều đại diện bộ ngành cho rằng, chủ trương di dời các trường học, bệnh viện và trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô còn gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Bộ GD&ĐT phải có quy hoạch hệ thống các trường để Bộ Xây dựng và thành phố bố trí địa điểm; chưa có quy hoạch của ngành thì thành phố chưa thể bố trí quỹ đất để di dời.

Để giảm ùn tắc giao thông thủ đô, từ tháng 2, UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh giờ học, giờ làm ở 9 quận nội đô. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đã gặp thất bại khi gần nửa tháng sau thành phố lại phải lùi giờ học về gần với thời gian trước đây. Tiếp đó, Hà Nội lại xóa sổ hàng trăm điểm trông giữ trên vỉa hè, dưới lòng đường ở hơn 260 tuyến phố, trong khi chưa bố trí điểm đỗ xe hợp lý.

Theo Dân trí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại