Cấm giáo viên tiếp thị sách tham khảo: Một mũi tên bắn trúng hai đích?

Khả Danh |

(Soha.vn) - Đã hai tuần kể từ khi Bộ Giáo dục ra văn bản “Nghiêm cấm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào”.

Cách đây đã chừng nửa năm, PGS Văn Như Cương có kể với tôi rằng, một lần đi công tác tại TPHCM, ông vào hiệu sách và tận mắt chứng kiến mà rất ngạc nhiên rằng riêng môn Hình học lớp 7 có tới 49 cuốn sách tham khảo tại cửa hiệu này.

Và ông bình luận: “Cuốn nào cũng na ná như nhau, vì thực chất chương trình chỉ có vậy thôi, chẳng qua là họ đặt một cái tên khác và đảo vị trí các bài, hoặc cho những thí dụ khác nhau mà thôi”.

Công bằng mà nói, trong vô số STK thì những cuốn có chất lượng tốt rất nhiều, mà những cuốn chất lượng tồi cũng không ít. Thế nên mới có người nói thị trường STK giờ đã “loạn”. Mà đã “loạn” thì khó lòng phân biệt được thật – giả.


	Không ít cuốn sách tham khảo "na ná như nhau"

Không ít cuốn sách tham khảo "na ná như nhau"

PGS.TS Vật lý Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã nói: “Phải công nhận là nhiều STK chất lượng tệ lắm, cả sai kiến thức cũng có, đấy là vì có nhiều bạn rất trẻ lao vào viết sách, mà thực tế kiến thức và sự trải nghiệm lại chưa đủ tầm, nhưng vì danh tiếng và vì một chút lợi nho nhỏ mà họ cứ lao vào. Cuối cùng, học sinh là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất, nếu chọn phải sách của những tác giả ấy”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì nhận định, TSK ngày nay đã bị thương mại hóa quá mức, trong khi quy trình quản lý, thẩm định đối với các loại sách này lại thiếu chặt chẽ. Điều này mang lại hậu quả tai hại cho người tiêu dùng, mà trực tiếp là các em học sinh.

STK chất lượng phải đảm bảo được sự cung cấp và gợi mở cho học sinh những kiến thức, cũng như cách tiếp cận vấn đề, khiến học sinh hiểu sâu hơn, chứ không phải để học sinh học thuộc lòng. Vì vậy, không thể tồn tại những loại sách mẫu, bài mẫu mà chỉ có những sách gợi mở tư duy sáng tạo của học sinh.

Hơn nữa, nếu sử dụng không đúng cách, STK sẽ là con dao hai lưỡi, không chỉ làm cho các em bị lệ thuộc, hạn chế tính tư duy, sáng tạo mà còn dẫn đến hổng, thậm chí sai lệch kiến thức.

Có lẽ vì ngày càng xuất hiện nhiều cuốn STK có chất lượng kém cho nên Bộ Giáo dục mới cấm người của ngành tiếp thị, bán các loại STK. Và ngay cả việc sử dụng STK cũng phải cân nhắc cẩn trọng, tất nhiên là trừ những cuốn có gắn mác của Bộ Giáo dục.

Đa phần đều ủng hộ quyết định này của Bộ Giáo dục, vì dù sao đi chăng nữa, người ta cũng cần có một nơi để gửi gắm niềm tin, trong cái thế giới mà sự giả dối ngày càng nhiều. Mà trong lĩnh vực thì Bộ Giáo dục là nơi đáng tin nhất rồi.

Tuy nhiên, cũng có một số ít thì còn hoài nghi, đặt ra nhiều băn khoăn quanh “lệnh cấm” của Bộ Giáo dục. Cái lý mà người ta đưa ra, ấy là không phải mọi cuốn STK đều kém chất lượng, vậy thì việc Bộ Giáo dục “cào bằng” liệu có phải là một mũi tên bắn trúng hai đích?

Xin kể lại một chuyện cũ: Cách đây 4 năm, trước thời điểm công bố môn thi, Sở GD & ĐT TP.HCM đã có công văn đề nghị các trường đăng ký bộ tài liệu mua tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT và Đại học do NXB Giáo dục (Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản Gia Định) in ấn và phát hành, gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh, Sử, Văn, Địa, với giá 270.000 đồng.

Và tất nhiên, khi báo chí phát hiện ra sự việc, đặt câu hỏi thì nhiều trường đều đã có sẵn một đáp án chung: “Việc mua bộ tài liệu này là tự nguyện, trường nào có nhu cầu thì đăng ký chứ không ai ép buộc”.

Còn tại Hà Nội, Sở Giáo dục cũng đã gửi công văn cho các trường về việc đăng ký mua tài liệu ôn thi tốt nghiệp cho học sinh và không quên nhấn mạnh, đó là tài liệu “Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010” do NXB Giáo dục phối hợp Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT biên soạn và phát hành.

Với cách “tiếp thị” rất khéo như vậy thì rõ ràng cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều rất tin tưởng vào cái mác có gắn tên các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục.

Thế nhưng, ngay tại thời điểm đó, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã bày tỏ rất thẳng thắn: “Tài liệu do Bộ phát hành thường được coi là chuẩn mực, trong khi học sinh và giáo viên đều nghĩ rằng tài liệu đó thiết thực đối với việc giảng dạy, ôn tập. Vì thế nên dù không bắt buộc, 100% đều đăng ký mua.

Có điều sau đó nhiều giáo viên phản ánh nội dung  không khác gì so với những năm trước, thậm chí còn có nhiều chi tiết sai sót. Vì vậy, Bộ cần có sự giám sát chặt chẽ về chất lượng, hệ thống kiến thức bài bản để có thể dùng lâu dài, không nhất thiết năm nào cũng phải biên soạn, phát hành mới, gây lãng phí”.

Có thể, ý kiến thẳng thắn của TS Nguyễn Tùng Lâm sẽ khiến cho nhiều người vô cùng bực tức, nhất là những ai có quyền lợi trong bộ tài liệu ôn thi bán cho học sinh. Thậm chí, họ còn căm ghét, và chờ một dịp nào đó để “trả đũa” ông. Nhưng với trách nhiệm và lương tâm của một người thầy, ông không thể lờ đi sự thật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại