Cảm động chuyện 2 chị em lấy chung chồng

camnhung |

Ngót nửa thế kỷ, ba con người ấy đã cùng nhau bước qua những tháng ngày gian khó...

Thương chị gái lấy chồng cả chục năm mà vẫn chưa sinh được một mụn con, cô em ruột nhận lời về làm lẽ chồng chị. Ngót nửa thế kỷ, ba con người ấy đã cùng nhau bước qua những tháng ngày gian khó, viết lên câu chuyện về tình yêu, tình chị em, nghĩa vợ chồng đẹp như trong cổ tích.

Về làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP Hải Dương, hỏi chuyện nhà ông Canh - bà Tư - bà Lừng hầu như ai cũng biết và đều có thể kể vanh vách cho tôi câu chuyện của họ. Dường như, đối với người dân nơi đây, câu chuyện về gia đình họ không chỉ "lạ" mà còn là biểu tượng của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha mà họ dành cho nhau.

"Em thương chị thì về làm lẽ chồng chị"

Ông Nguyễn Hữu Canh giờ đã bước sang tuổi 82, tiếp chúng tôi với nụ cười hồn hậu. Mấy năm nay, ông mắc chứng ngãng tai, lúc nhớ lúc quên. Thế nhưng, ông bảo, "gì chứ chuyện lấy hai bà vợ, làm sao mà tôi quên được".

Ông Canh lập gia đình với bà Đinh Thị Tư từ năm 1948. Ngày ấy, bố mẹ mai mối chứ không tìm hiểu nhau. Chọn đúng ngày lành tháng tốt, bố mẹ ông sửa soạn mâm cau trầu sang nhà gái dẫn lễ. Cưới vợ được hai năm, ông Canh nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc, để lại người vợ trẻ vò võ nơi quê nhà.

Tám năm trong quân ngũ, chỉ có một lần ông được về thăm vợ là sau giải phóng Điện Biên. Thế nhưng, ngần ấy thời gian dường như vẫn chưa đủ để vợ chồng trẻ gặt hái thành quả của tình yêu là những đứa con khôi ngô, khoẻ mạnh.

Vợ chồng ông Canh - bà Lừng

Bà Lừng, vợ lẽ của ông ngồi bên cạnh bổ sung câu chuyện. Ngày chị gái lấy chồng, cô bé Lừng mới lên mười. Do hai gia đình ở cùng làng nên bà Tư vẫn về thăm nhà thường xuyên. Thế nhưng, Lừng cứ thắc mắc vì mãi chẳng thấy chị gái mang bầu. "Chị Tư là chị cả, vậy nên bố mẹ tôi mong có cháu bồng bế lắm. Nhà anh Canh cũng neo người. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có hai anh em trai nên vợ chồng anh chị càng mong có con", bà Lừng kể.

Lừng lớn dần và phần nào hiểu được nỗi buồn trong đôi mắt chị mỗi lần về thăm nhà. "Ngày ấy, đàn bà lấy chồng mà không con bị người ta hắt hủi, dè bỉu lắm", bà Lừng buông tiếng thở dài. Dù rất thương chị nhưng chính Lừng cũng không thể ngờ rằng, việc hiếm muộn của chị cả lại thay đổi cuộc đời cô đến vậy.

Bà Lừng bên di ảnh người chị ruột đồng thời là "bà cả"

Năm 1960, ông Canh xuất ngũ. Hai năm sau, bà Tư vẫn chưa có tin tức gì. Khi ấy, Lừng cũng bước vào tuổi đôi mươi và đã nhận lễ ăn hỏi của một chàng trai làng bên, chỉ đợi ngày để tổ chức hôn lễ. Một hôm, chị gái về thăm nhà, gọi Lừng vào buồng trong nói chuyện. Người chị gái khốn khổ ấy không dám nhìn đứa em ruột, ngập ngừng: "Có lẽ anh chị sẽ bỏ nhau. Để anh ấy đi lấy vợ khác mà sinh con. Nếu em thương chị hay là em về làm lẽ chồng chị, để chị vẫn có thể ở lại trong ngôi nhà ấy, có chị có em đỡ đần nhau...". Quá bất ngờ, Lừng chẳng biết xử trí thế nào.

Những ngày sau đó, Lừng đã nghĩ lung lắm. Nếu Lừng không đồng ý, nghĩa là chị gái sẽ phải khăn gói về nhà bố mẹ đẻ, mang tiếng "gái độc không con" suốt đời. Lừng biết chị yêu chồng lắm, một ngày còn nên nghĩa, huống chi vợ chồng chị lấy nhau đã hơn chục năm rồi. Còn nếu làm theo lời chị, Lừng sẽ mang tiếng là phụ bạc, sẽ nhận được những lời bàn tán, dị nghị của dân làng. Những suy nghĩ ấy cứ giằng xé tâm can Lừng.

Cuối cùng, cái gật đầu của Lừng trong chiều hè năm ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô, đánh dấu một chuyện chưa từng có trong làng khi hai chị em ruột lấy chung một chồng. Người làng Thanh Liễu đã chứng kiến đám cưới "vô tiền khoáng hậu" khi vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng. Người tò mò thì đến xem thái độ của những người trong cuộc thế nào, người cảm thông thì đến chúc phúc cho đại gia đình họ đã khiến cho đám cưới dù giản đơn nhưng cũng rất tưng bừng, tiếng cười nói, tiếng pháo nổ râm ran cả một vùng quê nghèo.

"Nếu không nghĩ sâu xa, tôi đã bỏ ông ấy rồi"

Thế nhưng, ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Tưởng như bao nhiêu dự định, sắp đặt của người vợ cả với ý nghĩ "lọt sàng xuống nia", mai mối chính người em gái với mong muốn sẽ sinh cho chồng mình những đứa con khoẻ mạnh, sẽ là con chung của cả hai chị em, để chồng được nở mày nở mặt với dân làng và cũng để không khỏi mang tiếng hổ thẹn với gia đình chồng sẽ được báo đáp.

Vậy nhưng, cưới nhau được năm năm, bà vợ lẽ vẫn "án binh bất động" khiến cả ba người như ngồi trên đống lửa. "Nếu không nghĩ sâu xa thì tôi đã sớm bỏ ông ấy để đi lấy người khác rồi. Nhưng nghĩ lại, biết đâu lấy người khác chắc gì tôi đã có con. Với lại, con cái là lộc trời cho, thôi thì trời bắt tội mình không con thì đành chịu", bà Lừng bảo.

Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng cả ba người quyết định xin con nuôi. Năm 1967, họ đón cô con gái mới nửa năm tuổi về chăm sóc. Năm sau, họ lại nhận nuôi thêm cậu con trai vừa tròn một tuổi. Không khí gia đình đã bớt ngột ngạt hơn với hai đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh.

Lúc này, bà Tư cũng đã đứng tuổi, sức khoẻ giảm sút. Vậy nên, ngày ngày, bà ở nhà chăm sóc các con, còn việc đồng áng, làm hợp tác xã do ông Canh và bà Lừng đảm nhận. Cũng may, như thấu hiểu nỗi vất vả của cha, mẹ và "u" - cách mà các con gọi bà cả, bà hai, hai đứa con của ông bà lớn lên đều mạnh khoẻ.

Thấm thoắt, hai đứa con trưởng thành, được cha mẹ dựng vợ gả chồng, sinh cho ông bà cả thảy 4 đứa cháu nội ngoại. Năm 2001, bà Tư qua đời vì bệnh nặng. Cách đây ba năm, người con trai nuôi cũng mất vì tai nạn giao thông. Nỗi bất hạnh cứ chồng lên nỗi bất hạnh khiến cho ông Canh, bà Lừng cùng người con dâu càng thêm héo hắt.

Bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của ông bà là các con, các cháu "chẳng phân biệt con nuôi, dâu, rể, mỗi khi nhà có công việc thì cùng xúm vào giúp đỡ nhau, đỡ đần bố mẹ. Thế là vui lắm rồi. Nhà tôi chỉ thiếu cơm, thiếu gạo chứ không thiếu tình cảm", ông Canh chia sẻ, đôi mắt hấp háy niềm vui. Bà Lừng nhìn chồng trìu mến, gật đầu ra chiều ưng ý lắm.

Thật khó để tôi có thể hình dung "kiếp lấy chồng chung" khi bà cả, bà hai cùng sống trong một ngôi nhà. Hiểu được nỗi thắc mắc của tôi, bà Lừng cười mủm mỉm, kể lại: "Ngôi nhà tranh ba gian được ngăn ô. Bà cả nằm gian ngoài, tôi nằm gian trong. Dẫu vẫn gọi "chị" xưng "em" với chị gái nhưng lúc này thân phận của chúng tôi đã khác. Ngày ngày, cả ba người cùng ăn chung mâm. Cũng có lúc chị em chung đụng, lời qua tiếng lại nhưng sau đó lại quên ngay vì dẫu thế nào cũng là chị em ruột cơ mà".

Theo Hải Bình

Bee.net.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại