Cấm CSGT mang điện thoại đi làm

Không dùng điện thoại, lực lượng chức năng tại đây xử lý vi phạm kiên quyết hơn, mạnh tay hơn vì đỡ lo bị nhờ vả, nói khó...

Thay vì sử dụng điện thoại di động, gần 1 năm nay CSGT Tây Ninh chỉ được sử dụng bộ đàm. Tuy nhiên, đến nay, ngay trong lực lượng CSGT vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Không cầm điện thoại, bớt phiền hà

Thiếu tá Nguyễn Hai Mừng - Chánh văn phòng Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, từ cuối tháng 4/2013, Thiếu tướng Ngô Quang Long - Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định lực lượng CSGT (kể cả lực lượng được huy động để hỗ trợ) không được mang theo điện thoại di động khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Thay vào đó, chỉ được thông tin liên lạc qua máy bộ đàm do công an tỉnh cấp…

Quyết định này của Công an tỉnh Tây Ninh, theo ông Mừng, là để phòng ngừa tiêu cực trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm không chỉ đối với lực lượng CSGT mà có cả các lực lượng phối hợp khác.

“Đối với các cán bộ, chiến sỹ vi phạm, nếu bị phát hiện sẽ bị hạ bậc xếp loại lao động (không hoàn thành nhiệm vụ). Nếu cố tình không thực hiện quy định sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, điều chuyển công tác hoặc đưa ra khỏi lực lượng CSGT vì không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên” - Thiếu tá Mừng nói.

Cũng theo Thiếu tá Mừng, từ khi thực hiện quy định CSGT nói không với điện thoại đến nay, chưa có trường hợp nào bị phát hiện cố tình vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Nhờ ít bị tác động, ảnh hưởng bởi những cuộc điện thoại cầm tay từ bên ngoài nên anh em giảm được áp lực và tập trung công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung úy Nguyễn Minh Hòa - Tổ trưởng Tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường 30/4 (TP Tây Ninh) cho biết, không mang điện thoại, anh em cũng bớt bị phiền hà bởi những cú điện thoại từ bên ngoài nhằm can thiệp, xin xỏ. Mọi việc cần trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo đều liên lạc với cấp trên qua bộ đàm. “Thời gian đầu, do thói quen nên anh em gặp một số khó khăn khi cần chi viện lực lượng hỗ trợ, nhưng vấn đề đó đã nhanh chóng được khắc phục. Nhờ không dùng điện thoại, cán bộ, chiến sỹ chuyên tâm vào công việc và giải quyết tình huống phát sinh nhanh hơn, chính xác hơn” - Trung tá Hòa nhận định.

Trung tá Nguyễn Minh Hiếu - Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra, PC67 Tây Ninh cho hay: “Ngay cả tình huống người thân trong gia đình cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ có việc gấp hệ trọng, lãnh đạo Công an tỉnh và Phòng cũng đã lường trước. Vì vậy, mỗi gia đình cán bộ, chiến sỹ đều được cung cấp số của trực ban để liên lạc khi thấy thực sự cần thiết”.

“Việc xử lý đúng người, đúng tội và không có “trường hợp ngoại lệ” đã và đang có tác động tích cực đến ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” - Chánh văn phòng Ban ATGT Tây Ninh Lý Văn Gì khẳng định.

CSGT Tây Ninh hiện chỉ dùng bộ đàm để liên lạc khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát
CSGT Tây Ninh hiện chỉ dùng bộ đàm để liên lạc khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát

Không dễ nhân rộng

Về chuyện có hay không nên nhân rộng chủ trương cấm CSGT dùng điện thoại di động trong ca trực, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, mạng thông tin nội bộ có nhiều hạn chế, do đó có điện thoại di động giải quyết công việc sẽ linh hoạt hơn. “Khi có vụ việc xảy ra, cần chỉ đạo giải quyết gấp, nếu chỉ có bộ đàm, thông tin sẽ đi qua nhiều điểm tiếp nhận" - ông Tòng lý giải.

Theo ông Tòng, thông thường, liên lạc qua bộ đàm phải qua quy trình, báo cáo tầng nấc, không thể liên hệ trực tiếp với cán bộ, trong nhiều trường hợp khẩn, khi liên lạc được với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ thì đã lỡ mất việc.

Đối với ý kiến cho rằng nếu CSGT dùng điện thoại sẽ hay bị “can thiệp, nhờ vả”, ông Tòng cho rằng Bộ Công an đã có quy định rõ ràng, ai vi phạm sẽ bị xử lý.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại