Cái Tết không giống ai trong bệnh viện tâm thần

annbui |

Phút giao thừa, trái với không khí tưng bừng trên cả nước, nơi đây sự lặng lẽ bao trùm cả người bệnh lẫn người lành.

Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là nơi chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần của khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Hơn 30 năm từ ngày ra đời đến nay, hầu hết các thế hệ y bác sĩ của bệnh viện đều phải ăn tết chung với những bệnh nhân tâm thần.

Bên trong vẻ vắng lặng đìu hiu của bệnh viện là một không khí Tết ấm ấp, đầy đủ với nhiều kỉ niệm vui buồn của các y bác sĩ lẫn bệnh nhân tâm thần. 

Những ngày cuối năm, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An vãn bệnh nhân hơn bình thường. Phần đông đã được gia đình đón về quê ăn Tết. Những người bệnh còn ở lại là những bệnh nhân nặng hoặc những người không còn chốn đi về. Họ bị gia đình từ chối, hoặc không còn ai thân thiết nữa và cũng có những người không còn biết đến quê hương. Không ít bệnh nhân có hoàn cảnh éo le vì bệnh quá nặng, nếu đón về ăn Tết thì cả nhà, thậm chí cả làng mất… Tết.

Đã hơn 30 năm gắn bó với bệnh viện, cũng gần như ngần ấy ấy cái Tết, điều dưỡng Trần Thái Côi - Trưởng phòng Tổ chức- hành chính Bệnh viện Tâm thần Nghệ An không khỏi bùi ngùi khi kể những kỉ niệm buồn vui đón Tết cùng những bệnh nhân đặc biệt này.

Bác Trần Thái Côi (bên trái) đang bàn kế hoạch tổ chức đón Tết Nhâm Thìn với giám đốc bệnh viện.

Trước Tết cả tháng, lãnh đạo bệnh viện phải lập kế hoạch hoạt động Tết, đón Tết cùng các bệnh nhân nặng ở lại bệnh viện cùng với đó là kế hoạch quản lí bệnh nhân.

"Với những bệnh nhân được về quê ăn Tết, chúng tôi luôn thấp thỏm lo lắng. Liệu rằng người bệnh có đi đến nơi, về đến chốn không? Lỡ trên đường đi có chuyện bất trắc, hay nhân cớ đó bệnh nhân bỏ trốn, không điều trị. Nếu có sự cố xảy ra, chúng tôi là những người phải chịu một phần trách nhiệm", bác Côi cho biết.

Để quản lí tốt những người này, bệnh viện phải đảm bảo tất cả các bệnh nhân về nhà đều có người đưa đón, đi kèm. Một số trường hợp bệnh viện phải chở về tận quê vì người nhà quá nghèo, một số khác không có tiền tàu xe, các bác sĩ phải chung tay góp tiền mua vé cho họ trở về nhà.

Sau khi giải quyết ổn thỏa cho các bệnh nhân về nhà, các y bác sĩ mới bắt tay lo đón Tết cùng những bệnh nhân ở lại. "Đối với những người này, ngoài tiêu chuẩn khẩu phần ăn thêm 3 ngày Tết theo quy định của nhà nước, chúng tôi còn phải sử dụng thêm số tiền ít ỏi trích từ Quỹ từ thiện do cán bộ, nhân viên của Viện đóng góp để mua thêm quần áo mới, chăn ấm, bánh kẹo cho bệnh nhân", bác Côi cho biết.

Vị cán bộ điều dưỡng già tâm sự, trước đây, những ngày giáp Tết, không khí của bệnh viện như ngày hội, một tốp cán bộ được phân công đi mua bò, mua lợn, một tốp khác được giao nhiệm vụ gói bánh chưng, giò lụa, mổ lợn cho bệnh nhân ăn.

"Hiện nay, vì thời gian có hạn, lượng bệnh nhân đông lên nên sắp đến Tết, các y bác sĩ và cán bộ lại thay nhau đi chợ, đi đặt thịt, bánh chưng chứ không còn tự làm được như xưa nữa", bác Côi cười kể.

Thời khắc giao thừa, các bác sĩ luôn đảm bảo ở những vị trí trực của mình.

Phút giao thừa, trái ngược với không khí tưng bừng trên cả nước, ở nơi đây sự lặng lẽ bao trùm cả người bệnh lẫn y bác sĩ. Bác sĩ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện cho biết, những ngày Tết, bệnh viện còn khoảng 20 đến 30 bệnh nhân ở lại. Vào đêm 30 Tết, từ khoảng 21 đến 22 giờ đêm, các y bác sĩ được đón giao thừa trước. Đến thời khắc giao thừa, ai cũng đảm bảo vị trí trực, và tự đón giao thừa trong phòng trực của mình trong im lặng.

"Những bệnh nhân ở lại, hầu hết đều rối loạn ý thức, rất hiếm người biết được cái khắc giờ thiêng liêng của giây phút chuyển giao năm cũ - năm mới… Họ chỉ có cảm giác được ăn ngon hơn, mặc ấm hơn, nơi ở sạch sẽ thơm tho hơn thường ngày. Chính lúc này, sự sẻ chia, săn sóc của các y, bác sĩ là nguồn động viên vô cùng quý giá cho những bệnh nhân đặc biệt này", bác sĩ Thìn tâm sự.

Gần 20 năm ăn Tết ở bệnh viện cùng những bệnh nhân tâm thần, điều dưỡng Nguyễn Xuân Việtđã làm việc ở hầu hết các khoa, phòng và không thể nào nhớ hết được Tết nào là vất vả nhất, Tết nào vui nhất của mình.

“Vất vả nhất là ở Khoa 5 - Khoa cấp cứu chống độc và cai nghiện ma túy. Những ngày Tết, không hiếm bệnh nhân phải đến với khoa này vì… rượu. Nhiều người phải nhập viện vào đúng thời khắc giao thừa vì uống rượu quá nhiều, một số người tâm thần lang thang, được Công an, Sở Lao động TBXH các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đưa vào điều trị, ăn Tết trong…bệnh viện. Ra giêng họ lại xin về, Tết trong bệnh viện tâm thần là những cái Tết không giống ai và không có ở đâu”, anh Việt cho biết.

Dù vất vả và lắm nỗi niềm nhưng không phải ai cũng được ở lại trực những ngày này. Giám đốc Phan Kim Thìn cho biết, người được giao trực Tết phải là những y, bác sĩ có phẩm chất vững vàng, ý thức cao về trách nhiệm và tình yêu thương.

"Sẽ không có 'phong bì, phong bao', không có quà chúc mừng của bệnh nhân cho bác sĩ, chỉ có chế độ hỗ trợ theo quy định 50.000 đồng mỗi ngày trực, nhưng ai cũng cố gắng hết mình", vị giám đốc bệnh viện khẳng định.

Những ngày Tết cũng là thời gian tất bật nhất của bếp ăn ở bệnh viện. Trên những chiếc bàn ăn bé xíu, một không khí trật tự, ấm cúng như một gia đình với bát cơm trắng, tô canh nghi ngút khói, mùi bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành hòa lẫn mùi khói nhang thơm ngậy kèm theo những những câu chuyện giữa các bệnh nhân với nhau, những lời chúc mừng năm mới của các y bác sĩ dành cho bệnh nhân,...

Bữa ăn ấm áp ngày Tết của những bệnh nhân tâm thần. 

Vừa dừng tay xới bữa cơm đầu năm cho một bệnh nhân, nữ nhân viên nhà bếp tâm sự: “Không phải bệnh nhân tâm thần nào cũng đáng sợ như phần đông chúng ta vẫn tưởng, nhiều người thậm chí là những giáo viên giỏi, những kỹ sư tài ba bị bệnh, họ dường như cũng cảm nhận được không khí ấm cúng, chan hòa vui vẻ của mùa xuân mới”.

Một mùa xuân mới lại về, những y bác sĩ của bệnh viện tâm thần Nghệ An lại có thêm một cái Tết với nhiều cảm xúcgiữa hỗn độn tiếng la hét, tiếng cười vô thức và cả những giọt nước mắt buồn vui, xúc động của các bệnh nhân tâm thần sau cánh cửa sắt lạnh lẽo.

Theo VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại