Trong những ngày vừa qua, thông tin về 600 doanh nghiệp nợ thuế nhận được sự quan tâm của không ít người.
Theo quy định tại Điều 74 Luật quản lý thuế về việc công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế có nêu một số trường hợp cơ quan thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong có có trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn.
Tuy nhiên, theo luật sư (LS) Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội), quy định trong luật vẫn chung chung, chưa chi tiết, cụ thể hóa.
Do đó, tại Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Theo đó, tại Điều 32 Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết việc công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế như sau:
Cơ quan thuế công bố, công khai thông tin vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp sau:
- Trốn thuế, gian lận thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế.
- Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Nội dung công bố, công khai bao gồm:
- Họ tên, địa chỉ nghề nghiệp của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm hành chính về thuế, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính;
- Hành vi vi phạm hành chính về thuế hoặc lý do công bố, công khai;
- Hậu quả do vi phạm gây ra hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm;
- Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời hạn thực hiện.
Căn cứ quy định nêu trên, chỉ trong các trường hợp nêu trên, cơ quan thuế mới công bố, công khai thông tin.
Trường hợp các doanh nghiệp có vi phạm hành chính về thuế thì cần xác định cụ thể các doanh nghiệp vi phạm quy định nào trong các trường hợp nêu trên không, hậu quả do vi phạm gây ra, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục và thời hạn thực hiện.
Việc xác định những nội dung trên thuộc nội dung công bố, công khai thông tin và cũng là xác định rõ ràng các doanh nghiệp có thuộc trường hợp công bố, công khai thông tin theo quy định tại Điều 32 Thông tư 166/2013/TT-BTC nêu trên.
Trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước đến 30/6/2015, tổng số tiền chậm nộp khoảng 12.658 tỷ đồng. Trong đó có các tên tuổi lớn trên thị trường điện máy như Nguyễn Kim, Digiworld, Thế Giới Di Động,…
Bộ cho biết đây là những doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan quản lý đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Tuy nhiên, ngay sau khi danh sách được công bố, một số doanh nghiệp phản hồi rằng: họ bị oan.
“Việc cơ quan thuế chỉ liệt kê các danh sách tổ chức, cá nhân như trên mà không nêu cụ thể các thông tin về hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả có thể dẫn đến công bố, công khai thông tin không chính xác vì nhiều lý do khác nhau” – LS Bình nói.
Cũng theo LS Bình, trường hợp việc công bố, công khai thông tin không rõ ràng và chưa chính xác, có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các doanh nghiệp.
Dư luận sẽ đặt câu hỏi cho rằng: một doanh nghiệp nợ thuế quá lớn thì khả năng tài chính ra sao, việc sử dụng dịch vụ và mua bán hàng hóa với họ có an toàn hay không…
Theo LS Bình, các doanh nghiệp khi xác định được việc công bố, công khai thông tin chưa rõ ràng, chưa chính xác có thể đề nghị cơ quan thuế xác định lại thông tin.
“Trường hợp các doanh nghiệp bị thiệt hại thì cần chứng minh thiệt hại và có thể đưa ra yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp này thường việc chứng minh thiệt hại là rất khó khăn” – LS Trịnh Cẩm Bình nói.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự) cũng cho rằng: Các Bộ, ban ngành liên quan phải cải chính lại thông tin, nếu có thiệt hại thì phải bồi thường.
“Đối với các doanh nghiệp niêm yết, nếu doanh nghiệp thấy uy tín bị xâm phạm hoặc chứng minh được thiệt hại về kinh tế thì có thể khởi kiện Tổng cục thuế” – LS Hưng nhấn mạnh.
Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp bị nêu tên oan đều nói rằng: Họ sẽ không khởi kiện. Bởi đây là hình thức sai sót lần đầu do sự phối hợp của cơ quan chủ quản với các Bộ, ban ngành chưa khớp.
“Chúng tôi không khởi kiện vì nó là sai sót khách quan, chứ không phải chủ quan” – PGĐ Siêu thị điện máy Nguyễn Kim chi nhánh Hà Nội – ông Phạm Trường Giang (một trong những doanh nghiệp bị nêu tên oan) cho biết.
Tổng Giám Đốc Thế Giới Di Động, ông Trần Kinh Doanh cũng cho hay: “Chúng tôi không hề có ý định kiện Tổng Cục thuế.
Vì chúng tôi nghĩ rằng: thông tin này đưa ra chắc là do nhầm lẫn thôi. Chứ Chi cục thuế quận 1 đã xác nhận chúng tôi không hề nợ thuế.
Đến sáng nay, Tổng Cục thuế đã có văn bản đính chính gửi đến công ty Thế giới di động để đính chính thông tin trên”.
Sau vụ việc này, theo kiến nghị của các doanh nghiệp: Các thông tin mà các Bộ, ban ngành đưa ra cần có sự đối chiếu giữa các cơ quan chủ quản cũng như các đối tượng liên quan để tránh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.