Chiều 19/12, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công 12 công nhân bị kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Nguyên nhân ban đầu được Đại tá Hoàng Công Tạo - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Lâm Đồng cho rằng, do việc gia cố yếu.
Vậy trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị thi công? Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với các luật sư về vấn đề này.
Theo ý kiến của luật sư Vũ Gia Trưởng (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự) thì cần xác định được nguyên nhân gây ra vụ sập hầm, sau đó mới xác định được trách nhiệm thuộc về đơn vị chủ đầu tư hay thi công.
“Tuy nhiên, chủ đầu tư sẽ là người chịu trách nhiệm toàn diện trước người quyết định đầu tư và pháp luật trong quá trình xây dựng công trình.
Vì thế, theo tôi khi công trình xảy ra sự cố, thì chủ đầu tư cần phải có mặt kịp thời để phối kết hợp với đơn vị và các cơ quan chức năng để giải quyết”- luật sư Trưởng cho hay.
Luật sư Cao Bá Trung (Giám đốc Công ty Luật INCIP) cho rằng, chắc chắn đơn vị thi công phải bồi thường cho nạn nhân.
Theo khoản 3, Điều 78 của Luật Xây dựng năm 2003, nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm: "Thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế các thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mất an toàn trong thi công xây dựng".
Vì vậy, luật sư Cao Bá Trung - Giám đốc Công ty Luật INCIP cho rằng: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 84 của Luât xây dựng thì:
Khi xảy ra sự cố, nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hoặc hạn chế các nguy hiểm có thể đối với công trình.
Nếu xảy ra thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ của người khác do vi phạm các quy định về xây dựng, có thể bị khởi tố về "Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
“12 công nhân được cứu thoát, tính mạng không thiệt hại, nhưng các nạn nhân có thể tổn hại về tinh thần, sức khỏe.
Tuỳ theo mức độ, nhà thầu thi công xây dựng có thể bị khởi tố về tội danh này. Mức cao nhất của khung hình phạt với tội danh này có thể đến 20 năm tù.
Về dân sự, chắc chắn đơn vị thi công phải bồi thường do đã gây tổn hại về sức khoẻ của người lao động”- Luật sư Cao Bá Trung nói thêm.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Trịnh Cẩm Bình – GĐ Công ty Luật Biển Đông cho rằng, cần xem xét đến trách nhiệm của Chủ đầu tư và Đơn vị thi công để xảy ra sự cố nghiêm trọng trên, vì vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân để xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư hay đơn vị thi công.
“Việc điều tra, xác định nguyên nhân là hết sức cần thiết. Qua đó xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Đối với vụ việc sập hầm, mặc dù chưa xảy ra hậu quả chết người, nhưng có nhiều người bị thương và thiệt hại về kinh tế.
Do đó, cơ quan công an cùng các đơn vị hữu quan cần vào cuộc điều tra xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân liên quan”- luật sư Trịnh Cẩm Bình nói thêm.
Cũng theo Luật sư Vũ Gia Trưởng, nếu xác định dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hình sự thì các các cơ quan xem xét khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.
“Cụ thể, nếu chủ đầu tư không tuân theo các quy định của pháp luật về vấn đề này, dẫn đến hậu quả là vụ sập hầm này thì có thể xem xét trách nhiệm của một số cá nhân về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Còn đối với đơn vị thi công, có thể xem xét ở việc có vi phạm các quy định về xây dựng cũng như về an toàn lao động hay không?
Nếu cá nhân nào có hành vi vi phạm các quy định về thi công, sử dụng nguyên vật liệu, máy móc, an toàn lao động… thì có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 227 hoặc Điều 229 BLHS”- ông Trưởng nói.