Các dịch vụ ăn theo, chặt chém du khách ngày càng phát triển, trở nên “chuyên nghiệp hóa” ở đền bà Chúa Kho (khu Cổ Mễ, P.Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Sân đền ken cứng người làm lễ, dâng hương - ảnh: Minh Sang
“Cò” lễ trọn gói
Hàng nghìn hàng quán mở dịch vụ viết sớ, sắp lễ xuất hiện khắp nơi. Các “cò” dẫn khách làm “dịch vụ trọn gói”, từ viết sớ, sắp lễ, cho đến khấn thuê... chào mời ngay từ bãi gửi xe.
Ngày 30.1, khi chúng tôi vừa đến, một người đàn ông trung niên, vội vã chạy ra, dựng gọn các xe khác lại, đon đả: “Anh chị để xe vào đây, tí nữa ra quán nhà em viết sớ luôn nhé. Nhà em có năm nghìn đồng một tờ thôi. Ra kia người ta chém cho”. Người đàn ông dẫn khách cho bà chủ quán cũng là chị gái mình có tên Thiết. Hỏi ra mới biết, cả gia đình gồm anh, chị, em được “huy động” để phục vụ mùa lễ hội. Chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, ông thầy viết sớ hỏi luôn tên tuổi, địa chỉ và hỏi đến đây để xin lộc rơi, lộc vãi, hay vay tiền.
Viết một tờ sớ nhưng chẳng hiểu sao ông lại nhanh tay “ngoáy” liền thêm 2 lá, trước khi cho vào ba bao đựng, rồi bình thản bảo tôi trả 15.000 đồng. Ông “khoe”: “Viết xong ở đây tôi phải chạy “sô” sang quán khác. Nhiều người nhờ viết lắm. Anh chị yên tâm. Mỗi ngày tôi viết sớ cho tới cả sáu trăm người đấy”. Để chứng minh, ông móc trong túi ra cả xấp tiền, rồi hỉ hả: “Đây là tiền viết sớ từ sáng tới giờ đấy”.
Chúng tôi còn được nghe kể cứ sáng sáng, thầy sớ phải đến các quán hàng dọn dẹp, đun nước, pha trà cho chủ quán. Có đến cả trăm ông thầy viết sớ, nên để cạnh tranh, các thầy phải làm vậy thì có khách, chủ quán mới gọi. Một thành viên trong Ban quản lý di tích đền bà Chúa Kho cho biết, trình độ nhiều thầy sớ chả biết đâu mà lần, chẳng biết họ học viết chữ ở đâu, viết ra sao.
Sớ viết xong, bà chủ Thiết chào mời: “Anh chị sắp lễ thế nào để chúng em làm”. Khi chúng tôi hỏi giá tiền thì bà cười: “Tùy tâm thôi, nhưng giờ chả ai sắp lễ mấy chục nghìn một mâm đâu. Ít nhất cũng phải một trăm, còn trung bình phải từ hai trăm đến năm trăm”. Bà Tươi, chị gái bà Thiết, nhanh nhảu: “Lễ phải sắp ít nhất là ba mâm. Anh chị lễ bà rồi bà cho lộc”.
Với giá 100 nghìn, mâm lễ chỉ có một ít tiền và đồ mã. Muốn có rượu, thịt gà, xôi, giá phải tăng lên vài lần. Tưởng vậy là xong, nhưng bà Thiết yêu cầu chúng tôi phải trả thêm tiền hoa, tiền trầu, cau, bánh trái vì những thứ đó phải mua của nhà chị gái. Ba mâm lễ ít tiền nhất cũng tốn tới 400 nghìn.
Bó tay với nạn móc túi, ăn xin
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Tiến, ủy viên Ban quản lý đền bà Chúa Kho cho biết, ngay từ những ngày đầu năm mới, khách thập phương đã nô nức đổ về đền làm lễ dâng hương. Ước chừng, mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng nghìn du khách. Năm nay, ngoài 40 cụ trực thuộc quân số của đền, Ban quản lý đền bà Chúa Kho còn phối hợp với Công an P.Vũ Ninh, Công an TP.Bắc Ninh... để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Ông Tiến cho biết thêm vấn đề tồn tại trong suốt nhiều mùa lễ hội trước khiến người dân bức xúc, đó là trộm cắp, móc túi và ăn xin, đã được ban quản lý đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, cho dù đã cố gắng, nhưng tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thường ngày đền bà Chúa Kho liên tục xảy ra cảnh khách chen lấn, đây là cơ hội để kẻ gian ra tay.
Còn về tình trạng người ăn xin ngồi la liệt thành hàng theo đường dẫn lên đền, ông Tiến cho biết, đã liên tục cắt cử bảo vệ dân phòng, nếu thấy người ăn xin xuất hiện thì mời họ đi nơi khác. Nhưng điều này cũng không dễ, vì hễ cứ thấy lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại gọi điện cho nhau kéo tới. “Phải gọi đây là công nghệ ăn xin, hay ăn xin thời hiện đại mới phải. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì có nhiều gia đình thuê cả những hội người ăn xin về nuôi, ở tại nhà họ.
Sáng sáng chở xe máy, xe ôm đưa tới khu vực chân đền để làm ăn. Không những thế, những người ăn xin này còn được trang bị cả điện thoại di động, để nếu thấy khu vực nào “kiếm ăn được” là họ thông báo cho nhau, gọi xe tới đón. Hiện tại, đội quân ăn xin này không chỉ có ở đền bà Chúa Kho, mà còn xuất hiện ở đền Trình, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Keo…”, ông Tiến cho hay.
Theo Hà An - Ngọc An
TP