Cả thế giới đều biết thông tin của tôi?

Võ Hương-Mạnh Khang-Tài Phong |

"Chị ơi, chị có phải là chị Hà không ạ? Em bên công ty bảo hiểm Dai-ichi Life Nhật Bản đây", "Anh Hoàng ơi, em là Tiến đây. Hôm nay công ty em mở dự án bán đất"...

Danh sách khách hàng rao bán trên mạng của đầu nậu Trung - Ảnh: Thanh Tùng

Mới đây, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn gần 1 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác.

Tuy nhiên thực tế người dùng điện thoại không thể hết đau đầu vì tin nhắn rác vẫn tồn tại và mệt mỏi hơn là hiện nay mỗi ngày họ phải nhận nhiều “cuộc gọi rác” chào hàng, quảng cáo.

Chị L.H. than phiền: "Tôi điên đầu vì mỗi ngày hết công ty này lại đến đơn vị nọ gọi điện mời mua bảo hiểm, mời đăng ký suất học tiếng Anh cho con, dự buổi mở bán căn hộ, làm thẻ tín dụng, vệ sinh nệm, làm thẻ VIP khách sạn…

Và thời gian họ gọi điện thì thật vô tư. Giờ họp, giờ ăn, giờ ngủ và cả buổi tối đang nghỉ ngơi cũng bị gọi".

"Lạ hơn nữa là tôi dùng điện thoại đăng ký người đứng tên thuê bao trả sau là cậu em họ tên Đ.H.Bình, chẳng ai biết cả, vậy mà có cuộc gọi của nhân viên mời mua đất lại hỏi đúng tên em tôi "chị Bình hả chị Bình?

Tôi bó tay với nhà mạng luôn" - chị L.H kể.

Cả thế giới đều biết?

Anh Đình (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết rằng mình bị tin nhắn rác, cuộc gọi rác làm phiền rất thường xuyên và cảm thấy rất bực mình khi nội dung tin nhắn, cuộc gọi đó không liên quan đến anh, làm mất thời gian anh quá.

Chị Kim Xuân (kinh doanh ở Q.7, TP.HCM) thắc mắc không hiểu từ đâu mà các đơn vị kinh doanh có được số điện thoại của chị để gọi liên tiếp như vậy.

Cuộc gọi lạ và luôn hỏi đúng tên. “Nhiều lúc đang dở việc thì số lạ gọi đến, cứ tưởng ai đó có chuyện gì quan trọng nhưng khi nghe máy mới biết mời mua nhà giá rẻ”, chị Xuân nói.

Chia sẻ trên trang facebook của mình, bạn Hồng Thắm (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) viết: “Điện thoại là số cá nhân của mình mà bây giờ hình như ai cũng biết, cả thế giới đều biết cho nên hết công ty ...

Nhật lại đến công ty Singapore gọi mời dự hội thảo !”.

Anh Tuấn (ngụ Bến Tre) kể lại, điện thoại của anh thường xuyên xuất hiện những số lạ chào mời mua bảo hiểm hoặc tham gia các tour du lịch.

Nhiều công ty bảo hiểm nghe tên rất lạ, tự xưng là liên kết với nước ngoài mời anh dự hội thảo tổ chức tại TP.HCM.

Dù người dùng phàn nàn nhưng tin nhắn rác vẫn “móc túi” khách hàng - Ảnh: Hữu Khoa

Chặn cũng vô ích

Theo nhiều bạn đọc, việc tiếp thị bằng cách gọi điện như thế có thể không có gì quá đáng. Điều làm mọi người bức xúc là tất cả những thông tin cá nhân như họ tên, độ tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp đều được nhân viên gọi đến nêu chính xác.

Một bạn đọc búc xúc: "Tên đăng ký thuê bao là tên người khác mà họ cũng biết luôn thì hết chịu nổi".

“Chứng tỏ đã có một sự thỏa thuận mua bán, trao đổi giữa các bên để có được những thông tin này chứ không chỉ đơn thuần là họ gọi vào một số bất kì. Họ đã không có sự tôn trọng khách hàng”, anh Tuấn phân tích.

Nhiều người cho rằng biện pháp chặn cuộc gọi, tin nhắn trong trường hợp này đều không mang lại hiệu quả vì mỗi lần gọi là một đầu số khác nhau, từ các công ty khác nhau với mục đích khác nhau nên thể chặn hết được.

“Trong các số gọi, nhắn tin đến, tôi thấy gần như không có đầu số nào gọi hoặc nhắn tin 2 lần”, một bạn đọc cho biết.

Ông Trần Quang Chiến - giám đốc Công ty An toàn thông tin và truyền thông Việt Nam (VNIST) cho rằng ngoài hình thức chia sẻ, trao đổi, mua bán danh sách khách hàng từ những đối tượng phụ trách thông tin khách hàng của những công ty, đơn vị với nhau thì một lý do khác làm thông tin cá nhân rò rỉ là việc sử dụng số điện thoại để đăng ký tài khoản trên các diễn đàn.

“Những người làm marketing dễ dàng thu thập chúng bằng các công cụ tự động”, ông Chiến nhấn mạnh.

Theo ông Chiến, người gọi điện thường có một “kho” số điện thoại khác nhau nên việc chặn sẽ không hiệu quả vì họ hoàn toàn có thể đổi sang số khác. Hoặc, chặn được công ty này nhưng công ty khác sẽ gọi đến.

Pháp luật bó tay?

Trích một đoạn ngắn trong danh sách của một website rao bán danh sách khách hàng. Trên ảnh, trang web này có hàng nghìn thông tin khách hàng của các đơn vị khác nhau, thậm chí là đơn vị viễn thông.

Gọi vào số điện thoại của một trang chuyên cung cấp danh sách khách hàng với sự phân loại theo từng khu vực, lĩnh vực, độ tuổi rõ ràng, chúng tôi được chủ website này cho biết: Chỉ cần lựa chọn danh sách phù hợp với nhu cầu rồi gửi mail đặt hàng, sau đó chuyển khoản là có thể nhận được. 

Đặc biệt, khi mua trọn bộ gồm hàng triệu thông tin khách hàng, người mua sẽ được tặng kèm các phần mềm chuyên dụng cho việc gửi mail hàng loạt đến những khách hàng này.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch hội luật gia TP.HCM, ông Hậu cho biết: “Số điện thoại của mỗi công dân được pháp luật quy định đảm bảo an toàn và bí mật, là đối tượng của quyền bí mật đời tư của mỗi người”.

Theo điều 38, Bộ luật dân sự, số điện thoại của cá nhân không phải là thông tin được công khai và rao bán như một loại hàng hóa.

Tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 5, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nêu rõ người có hành vi mua bán hoặc trao đổi thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng.

Điều 226, Bộ luật hình sự cũng quy định tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và máy tính xâm phạm lợi ích của tổ chức, cơ quan, cá nhân, xâm phạm trật tự xã hội sẽ bị phạt từ 10-100 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, ông Hậu khẳng định, rất khó để xác định ai là người phát tán những số điện thoại này.

Phải tự bảo vệ mình

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách không cung cấp số điện thoại cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân không uy tín, tránh trường hợp thông tin cá nhân bị lợi dụng để mua bán, quảng cáo hoặc bị làm phiền.

Nhà mạng và các đơn vị, tổ chức phải bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.

Theo ông Trần Quang Chiến, mọi người cần kiểm tra thông tin cá nhân của mình, trong đó có số điện thoại trên các trang mạng xem có bị rò rỉ hay không.

Không nên chia sẻ số điện thoại cũng như các thông tin khác bừa bãi. Khi bị lộ thông tin cá nhân, phải tìm hiểu nguyên nhân để có cách xử lý như khóa tài khoản hoặc để phòng tránh về sau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại