Mới đây, hai vụ cá sấu sổng chuồng và lọt xuống hồ Trị An khiến người dân bất an, lo lắng.
Từ TPHCM đường đi Đà Lạt, tới hồ Trị An là tới “vương quốc” cá sấu.
Tại đây, biển hiệu quảng cáo bán các loại thịt cá sấu, cá sấu giống và đặc sản da cá sấu nhan nhản.
Nhiều người trở thành “đại gia” nổi tiếng khắp huyện Định Quán nhờ con cá sấu nuôi rất dễ.
Nhà nhà nuôi cá sấu
Tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cá sấu sống chung trong nhà với người dân và còn nằm ngay cạnh hồ Trị An để tiện… tắm rửa, lấy nước cho cá sấu - đây cũng là điều đáng ngại nhất.
Ở cuối xóm Việt kiều Campuchia (chân cầu La Ngà), nằm sát hồ Trị An, trang trại này đang nuôi hàng trăm con cá sấu chuẩn bị xuất chuồng.
Chủ trang trại cá sấu này cho biết, lứa cá sấu này sẽ được xuất chuồng sau tết âm lịch.
Trại nuôi cá sấu này được xây bằng tường gạch và kéo lưới thép mắt cáo.
Tuy nhiên, nhìn rất chông chênh khi xảy ra tình trạng sạt lở, mưa lũ…
Anh Phan Như Tiến (người dân ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cho biết: 2 năm gần đây, xuất hiện nhiều chuồng nuôi cá sấu.
Trên tuyến đường này có thể kể ra các vựa thu mua và nuôi cá sấu như: Hương Công, Thủy Lơi, Tâm Oanh… và rất nhiều hộ nuôi cá sấu nhỏ lẻ khác cung cấp cho các thương lái.
Theo các số điện thoại ghi tại biển quảng cáo, chúng tôi gọi điện tới trại cá sấu Hương Công thì được nghe “quảng cáo”:
“Ở chỗ em anh cần bao nhiêu cũng có, nếu không đủ em có thể gom cho anh từ các nhà vườn khác. Anh hỏi mua cá sấu ở Phú Ngọc là chuẩn rồi.
Ở đây có cả "vương quốc” cá sấu. Tương tự, lại các trang trại Thủy Lơi, Tâm Oanh, chúng tôi cũng được khẳng định chắc nịch về sự phong phú của các trại cá sấu nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Nhật (ấp 2, xã Phú Ngọc) - người nuôi cá sấu - chia sẻ: Tôi nuôi cá sấu được 6 năm.
Trước đây, giá cá sấu gần 100.000 đồng/kg, tôi chỉ nuôi 70 - 80 con, nhưng gần 2 năm nay giá cá sấu lên trên 200.000 đồng/kg, nên tôi tăng đàn lên gấp 3 lần.
Hiện tôi có khoảng 700 - 800 con cá sấu. Nhưng nuôi nhiều thì phải hỏi nhà Thủy Lơi đang nuôi mấy ngàn con cá sấu…
Giờ nghe đâu 220.000 - 230.000 đồng/kg cá sấu, người ta xuất hết trơn, nhiều người mua lẻ cũng không được. Lái trực tiếp tới chuồng mua để xuất đi.
Ở trang trại nuôi cá sấu của ông Nhật có rất nhiều hồ nước nhỏ, thông ra hồ Trị An qua một cửa xả.
Ông Nhật cho biết, cửa xả này để dẫn nước vào các chuồng nuôi cá sấu để vệ sinh môi trường chuồng trại.
Hơn 100.000 con cá sấu "bao vây" hồ Trị An
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, loài cá sấu đang được nuôi rầm rộ ở khu vực xung quanh hồ Trị An là loài cá sấu Xiêm nước ngọt, có nguồn gốc ở khu vực Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
Đây là loài được xếp hạng động vật hoang dã quý hiếm và một thời gian không còn thấy xuất hiện ngoài tự nhiên.
Nhưng nay, loài cá sấu này được đưa giống từ Campuchia về Việt Nam, phát triển mạnh tại miền Tây và bây giờ lại đang phát triển nuôi ồ ạt, tự phát tại chính quê hương của loài cá sấu nước ngọt này.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai - cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 237 cơ sở nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 109.000 con.
Cá sấu được nuôi nhiều ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), còn lại nằm rải rác tại các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.
Đây là loài động vật hoang dã nguy hiểm, nên khi muốn nuôi các hộ phải kê khai với Hạt Kiểm lâm địa phương.
Riêng tại huyện Định Quán, có 148 trại nuôi cá sấu nước ngọt với hơn 94.000 con cá sấu.
Đối với công tác quản lý các trại nuôi cá sấu trước khi được cấp giấy phép đều được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thẩm định chuồng trại đủ điều kiện về an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định thì mới tiến hành các thủ tục xem xét, cấp giấy phép trại nuôi.
Qua đợt cá sấu sổng chuồng mới đây, thì Hạt Kiểm lâm Định Quán tăng cường, rà soát rất kỹ lưỡng - ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) - cho biết:
Hiện xã chỉ quản lý các trại nuôi cá sấu về mặt bảo đảm vệ sinh môi trường và quản lý số liệu. Việc người dân chăn nuôi cá sấu đa số là tự phát...