Cả làng "phớt" lệnh cấm nấu rượu "quốc lủi"

Theo Kiến Thức |

Cả làng có 300 hộ sản xuất rượu thì cả 300 hộ vẫn thoải mái sản xuất rượu và mà chẳng cần biết đến Nghị định 94 đã có hiệu lực.

Cả làng không quan tâm quy định mới

Kể từ ngày 1/1/2013, Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) có hiệu lực.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất; trên sản phẩm phải có nhãn mác, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Người dân vẫn vô tư sản xuất rượu vì chưa biết đến Nghị định 94

Tưởng như khi Nghị định 94 có hiệu lực, các chủ hộ sản xuất kinh doanh rượu tại các làng nghề thủ công sẽ chấp hành, và rượu “quốc lủi” sẽ bị “khai tử”. Tuy nhiên, ngày 2/1/2013, khảo sát tại một số làng rượu có tiếng, rất ít các cơ sở sản xuất rượu thủ công đi đăng ký sản xuất, đóng chai, dán mác cho sản phẩm của mình.

Có mặt tại làng rượu nổi tiếng Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), PV quan sát, đa số các hộ sản xuất rượu, bán can cho khách hàng mà không hề có nhãn mác cho sản phẩm. Khi được hỏi về Nghị định 94, hầu hết các hộ sản xuất rượu ở đây đều không ai biết, hoặc chưa từng nghe nói.

“Ngày cơ sở tôi sản xuất hơn 500 lít rượu. Đa phần bán can cho khách đến mua buôn, bán lẻ khá ít, vì khách đến làng rượu thì ít ai mua một hai lít về cả. Thường họ mua từ 5 đến 20 lít", bà Nguyễn Thị Thơm, chủ một cơ sở sản xuất rượu tại làng Phú Lộc cho biết.

“Cơ sở sản xuất rượu của tôi vẫn bán như mọi khi, rượu chủ yếu đựng bằng can, hoặc vỏ lon nước ngọt loại 1,5 lít. Từ trước đến giờ vẫn không có nhãn mác, tôi cũng không đăng ký sản xuất vì chưa từng nghe đến Nghị định 94. Khi nào xã tuyên truyền thì lúc đó mới hay. Cùng lắm là nộp phạt”, bà Thơm cho hay.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch xã Cẩm Vũ cho biết: "Làng Phú Lộc hiện nay có 300 hộ sản xuất rượu thủ công. Nhưng đến nay, vẫn chưa có hộ nào đến đăng ký. Chỉ duy nhất, có công ty rượu Phú Lộc là đăng ký kinh doanh từ trước".

Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch xã Cẩm Vũ

Cũng giống như làng Phú Lộc, các cơ sở sản xuất rượu ở các làng khác như làng Văn Giang (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), làng Vân (thôn Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh)... rất ít người đăng ký giấy phép sản xuất rượu. Hơn thế, hầu hết các chai, lọ, can đựng rượu đều không có nhãn mác, trừ sản phẩm rượu của các công ty kinh doanh rượu đăng ký từ trước.

“Biết là Nghị định 94 có hiệu lực, phải đi đăng ký, nhưng khổ nỗi, nhà sản xuất ít rượu, chủ yếu bán cho người dân trong khu vực lân cận, lãi lời chẳng đáng là bao nhiêu. Hơn nữa, chưa có ai hướng dẫn, đăng ký như thế nào, điều kiện ra sao.

Nghị định 94 cũng chỉ nghe nói thế nên tôi vẫn sản xuất và bán bình thường. Khi nào có hướng dẫn bắt buộc thì hãy hay”, bà Nguyễn Thị Mai, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công ở làng sản xuất rượu Văn Giang cho biết.

Tuyên truyền là chính

Theo ông Nguyễn Văn Tiển, chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), mặc dù 300 hộ sản xuất rượu thủ công tại làng Phú Lộc vẫn chưa đến đăng ký và vẫn sản xuất, bán rượu bình thường, nhưng xã chưa có biện pháp xử lý. Xã chỉ dừng lại ở mức... tuyên truyền là chính.

“Khi nhận được Nghị định 94, UBND xã đã chỉ đạo cho thôn tuyên truyền về Nghị định này đến người dân để họ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng các thủ tục đăng ký rườm rà nên chưa đến đăng ký.

Nhưng thực ra, thủ tục đăng ký rất nhanh gọn, Phòng Kinh tế của xã luôn mở cửa trong giờ hành chính để làm thủ tục cho các hộ sản xuất rượu thủ công đến đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến”, ông Nguyễn Văn Tiển cho biết.

“Nếu thời gian nữa mà người dân vẫn không chấp hành, không đến đăng ký, xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra đến từng hộ, ai không đăng ký sẽ làm mạnh tay”, ông Nguyễn Văn Tiển khẳng định.

Tuy nhiên, khi được hỏi, “làm mạnh tay” như thế nào?, ông Nguyễn Văn Tiển băn khoăn: “Chờ ý kiến chỉ đạo từ trên, có thể đình chỉ sản xuất. Muốn xây dựng thương hiệu làng nghề rượu Phú Lộc mà xã đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ thì cần phải làm nghiêm”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Phạm Ngọc Liệu cũng cho biết, xã cũng chỉ tuyên truyền cho các hộ sản xuất ở làng rượu Chi Nê hiểu để thực hiện.

Ai xử lý?

Theo ý kiến của các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại một số làng nghề sản xuất rượu, đến thời điểm này Nghị định 94 vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi. Khi người dân chưa biết những quy định trong Nghị định 94 thì khó mà có thể chấp hành tốt. Nhiều ý kiến băn khoăn, không biết ai sẽ xử lý, và xử lý như thế nào, mức xử phạt cụ thế là bao nhiêu?...

“Tôi cũng chỉ nghe đến Nghị định 94 chứ chưa hiểu rõ nội dung chính của Nghị định liên quan đến sản xuất rượu thủ công.

Nếu không biết, mà chưa được tuyên truyền nhắc nhở thì tôi vẫn sẽ sản xuất. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là ai sẽ đi kiểm tra xử lý, xử phạt là bao nhiêu”, bà Thơm, làng rượu Phú Lộc cho biết.

“Tôi có đọc qua Nghị định 94, trong Điều 24 về xử lý vi phạm vẫn chỉ ghi chung chung “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, như thế nếu vi phạm bị xử phạt hành chính là bao nhiêu với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, ai sẽ là người xử lý”, bà Mai, làng rượu Văn Giang băn khoăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại