Chúng tôi tìm đến Trung tâm Chắp Cánh, nằm trên đường số 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM để gặp người họa sĩ vẽ bằng miệng này.
Đỗ Minh Tâm khó nhọc điều khiển chiếc xe lăn tự động đi dọc hành lang treo đầy tranh vẽ. Trông anh không khỏe lắm, đất phương Nam mùa gió mưa thất thường khiến đôi bàn tay yếu ớt của anh sưng phù lên, đau nhức, dù lâu nay không thể dụng sức cầm nắm bất cứ vật gì.
Giới thiệu cho chúng tôi góc sáng tác riêng dưới gầm cầu thang của Trung tâm Chắp Cánh, Tâm cười nói: “Đây là nơi yêu thích nhất của mình. Mỗi khi ngồi đây vẽ lại thấy cuộc đời vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
Nói xong, anh quay mặt đi như cố nén tiếng thở dài. Tâm bắt đầu kể câu chuyện đời mình.
Đứa con rơi được chắp cánh
Đỗ Minh Tâm sinh ra trong một gia đình gia giáo ở Thoại Xuân, Thanh Hóa. Mẹ là cô giáo mầm non, còn cha xưa kia là bộ đội, sau mới chuyển ngành. Từ lúc mới hiểu chuyện, Tâm đã nghe phong thanh mình là đứa con rơi được cha mẹ nhặt về.
Lớn lên một chút, Tâm đem câu chuyện về máu mủ ruột rà ấy đi hỏi cha mẹ. Cha mẹ anh chỉ lẳng lặng thừa nhận anh chính là con nuôi, rồi từ đó Tâm không hỏi thêm gì nữa. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tâm xin nhập ngũ.
Anh được nhận vào phục vụ cho đơn vị vận tải hàng hóa ra quần đảo Trường Sa. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tâm giải ngũ rồi vào Sài Gòn lập nghiệp.
Tâm làm đủ thứ nghề, từ cửu vạn, đến thợ sửa điện, sửa ống nước... Cuộc sống xa nhà, một thân một mình vất vả, nhưng Tâm vẫn miệt mài lao động với dự định để dành tiền cưới vợ rồi bám trụ, lập nghiệp nơi đây.
Nhưng, đời Tâm buồn như một hơi thở dài...
Vào một đêm năm 2001, sau khi kết thúc ngày lao động nặng nhọc, như mọi hôm Tâm đạp xe thư thả trở về. Đột nhiên, rầm một tiếng, đất trời như đảo lộn, Tâm nghe nhói đau rồi không còn biết gì nữa. Đến khi mở được mắt ra anh đã thấy toàn thân mình quấn băng trắng toát.
Tâm không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, ai hay vật gì đã gây tai nạn cho anh, chỉ biết rằng di chứng của cái đêm kinh hoàng đó để lại rất tàn khốc. Vỡ cột sống, toàn thân của Tâm từ cổ xuống chân đã hoàn toàn không còn cảm giác.
Từ một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, bây giờ Tâm không thể tự đi đứng, nằm ngồi, ngay cả nhấc tay lên cũng quá khó khăn. Năm ấy, như Tâm nói, anh còn chưa biết yêu lần nào...
Ròng rã gần 2 năm trời các bác sĩ lo chạy chữa để níu lại mạng sống cho Tâm. Trong tiềm thức, Tâm chỉ muốn sống sót để về quê nhìn mặt cha mẹ một lần. Nhưng rồi, đau thương lại ập đến, cái tin người cha qua đời khiến Tâm như không còn thiết sống nữa.
Thương tích đã nặng nề, nay tinh thần đau đớn càng khiến tình trạng của Tâm như “chỉ mành treo chuông”. Năm ấy, Tâm không thể về chịu tang cha. Và không muốn người mẹ khổ đau thêm gánh nặng, Tâm cắt đứt liên lạc với gia đình, cam chịu cảnh sống “tứ cố vô thân”.
Đỗ Minh Tâm đều đều kể, giọng nhỏ dần, lặng đi một lúc, anh cười: “Từ một người khỏe mạnh, hoài bão cao bỗng nhiên “thân tàn ma dại” mà chẳng biết vì sao, cái cảm giác đó kinh khủng lắm. Nhưng rồi, mình đã đủ dũng cảm để sống tiếp”.
Được sự khuyên bảo của y bác sĩ và những người “đồng bệnh tương lân”, Tâm vượt qua cơn kiệt quệ. Tâm tỉnh táo dần và được đưa về Trung tâm Chắp Cánh, nơi Tâm đang tá túc, cũng là nơi đã chắp cánh cho anh trở thành họa sĩ chuyên vẽ những ước mơ - điều mà trước đó Tâm chưa từng nghĩ đến.
Không nhớ đó là bức tranh nào...
Ở trung tâm Chắp Cánh, hầu hết những người không may mắn bị khuyết tật đều được rèn luyện một cái nghề để tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Nhưng hầu như không có ngành nghề nào phù hợp với thể trạng của Tâm.
Mới đầu, anh chọn học nghề vi tính nhưng vì đôi tay quá yếu ớt, Tâm không tài nào di chuyển được con chuột hay gõ bàn phím, nên đành bỏ cuộc.
Khát vọng sống có ích thôi thúc Tâm quyết định học vẽ. Không cầm cọ được bằng tay, Tâm dùng miệng. Nhìn Tâm “cắn” chiếc cọ to nặng di chuyển từng nét mềm mại, nhẹ nhàng hiếm ai biết được anh đã phải khổ luyện đến thế nào.
Tâm kể, hồi đầu mới tập “cắn” cọ, có khi hai hàm răng đau buốt đến nỗi không ăn được gì. Hôm nào tập quá sức, dây thần kinh cứ giật liên tục khiến Tâm sợ quá phải nhả cọ ra.
Để giảm đau, Tâm đã dùng các miếng cao su bọc một phần đuôi cọ lại, nhờ thế, vùng cán cọ mềm hơn, khi tì vào môi cũng đỡ bị trầy xước.
Sau khi đã giữ vững các loại cọ to nhỏ bằng miệng, Tâm học tiếp các kỹ thuật hội hoạ cơ bản rồi đến nâng cao. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của anh cứ thế tuôn ra đổ vào quyết tâm đeo đuổi nghiệp vẽ.
Hỏi về cơ duyên với hội họa, Tâm bảo: “Là do mình chọn. Với thể trạng lúc đó, mình chỉ còn khối óc, còn cái đầu là cử động được nên nghĩ đến việc cắn cọ vẽ tranh. May sao, cuối cùng cũng có hội họa không chối bỏ mình”.
Đúng là hội họa đã mỉm cười với Tâm khi vào tháng 10.2010 tác phẩm “Bước ngoặt” của anh giành giải nhất một cuộc thi hội họa do Chính phủ Đức phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức.
Và sở dĩ, PV biết đến Đỗ Minh Tâm là nhờ câu chuyện về bức tranh trị giá 7.000 USD của anh do một nhà sưu tầm tranh ảnh người Mỹ gốc Việt kể lại.
Hỏi Đỗ Minh Tâm về bức tranh trị giá 7.000 USD, anh chỉ cười: “Cho đến bây giờ mình không nhớ đó là bức tranh nào nữa. Chuyện cũng lâu rồi. Nhà sưu tầm tranh người Mỹ gốc Việt đó đã tìm đến trung tâm này để tìm mua thêm tranh của mình và kể lại rằng, bức tranh ấy đã từng được sang Pháp, Úc, rồi qua Mỹ. Cuối cùng một nhà sưu tầm tranh người Ý đã mua lại với giá 7.000 USD”.
Chúng tôi lại hỏi Tâm, cảm giác người ta mua của mình quá rẻ mà bán thì với giá “trên trời” nó như thế nào, Tâm cười cười: “Nhà sưu tầm tranh ấy trước khi về còn dặn dò tôi nên bán những bức được đầu tư về tư tưởng lẫn nghệ thuật với giá cao hơn. Nhưng tôi nghĩ, người ta yêu thích tranh mình, quan tâm và mua tranh của mình thì đã vui rồi. Không mơ ước gì nhiều nữa”.
"Yêu nàng hội họa là chắc ăn nhất!"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tranh của Tâm thường được mua với giá không đáng kể tại Việt Nam, nhưng sau khi được đưa sang nước ngoài và chú thích thêm chữ “Orally”, giá được đội lên ở mức không thể tưởng tượng được.
Tâm đơn giản, chỉ mơ ước có một buổi triển lãm riêng cho mình. Số tiền kiếm được từ buổi triển lãm, anh sẽ giữ một ít để trang trải màu cọ, còn lại dùng làm từ thiện để chắp cánh ước mơ cho những người đồng cảnh ngộ.
Và giờ đây, “gia sản” của Tâm đã lên đến 30 bức tranh, một số lượng vừa đủ để anh có thể thực hiện giấc mơ của mình.
Tàn chuyện, Tâm có nhắc loáng thoáng đến một bóng hình mà anh đã thầm yêu từ rất lâu. Thầm yêu là thế, nhưng Tâm chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ mở lời, cảm xúc của anh cứ thế trượt dài theo năm tháng. Đến bây giờ Tâm vẫn chưa thể quên, nhưng lâu dần anh không còn thấy đau đớn vì mối tình câm ấy nữa.
Tâm nói mà như nghẹn: “Tim mình chai sạn rồi”. Chúng tôi bảo nghệ sĩ mà chai sạn thì làm sao sáng tác? Anh xoay mặt buồn buồn: “Bởi vậy mới khổ”, xong lại cười: “Hay thôi, yêu nàng hội họa là chắc ăn nhất!”.
Chắc bởi thế nên giờ đây, Tâm vẽ bằng tất cả nguồn sống của mình.