Liên quan đến hàng loạt phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem thời gian qua, ngày 6/11, Bộ Y tế phát đi thông báo chính thức cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo triển khai làm rõ các vấn đề liên quan, đồng thời xem xét các giải pháp thay thế khi có đủ bằng chứng khoa học, nguồn cung ứng đủ và đảm bảo được nguồn tài chính.
Theo Bộ Y tế, việc thay thế vắc xin Quinvaxem (chứa thành phần ho gà toàn tế bào) bằng vắc xin phối hợp 5 trong 1 Pentaxim, 6 trong 1 Infanrix hexa (chứa thành phần ho gà vô bào) cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó lý do chính là nguồn cung ứng các vắc xin này trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ.
Bằng chứng, từ nay đến hết năm 2016 vẫn tiếp tục khan hiếm 2 loại vắc xin này. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc thay thế vắc xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc xin dự kiến thay thế.
Theo Bộ Y tế, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định. Không thể nói vắc xin Quinvaxem là không an toàn và vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào là tuyệt đối an toàn vì không có loại vắc xin nào an toàn 100%.
Vắc xin Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam từ tháng 6/2010 đến hết năm 2019 với số lượng mỗi năm khoảng 4,5 triệu liều, tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 16 ca phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem, trong đó 8 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, trong số này thì chỉ một trường hợp là sốc phản vệ, 7 ca còn lại do trùng hợp bệnh lý.