Đói vốn, dự án chậm tiến độ là một trong những nội dung được lãnh đạo các Sở GTVT phản ánh nhiều nhất tại hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết ngành GTVT vừa diễn ra.
Giám đốc Sở GTVT Lai Châu Đào Vĩnh Long cho biết theo kế hoạch năm 2013 sẽ hoàn thành xong quốc lộ 4D, nhưng hiện vẫn còn thiếu nguồn vốn 200 tỷ đồng.
Hay như quốc lộ 12 theo kế hoạch cũng được hoàn thành trong năm nay, nhưng dự án này vẫn đang thiếu nhiều tỷ đồng. Không chỉ với quốc lộ, ông Long còn kể khổ việc ba xã chưa có đường ô tô đi vào trung tâm.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh đến tình trạng thiếu vốn gây đình đốn tại các công trình giao thông.
Ông Cường dẫn dụ đường vành đai 2 hiện còn khoảng 15 km thi công dở dang vì thiếu 15 nghìn tỷ đồng, hiện vẫn chưa tìm được nguồn để phục vụ cho dự án này.
Nhiều tuyến đường thi công dở dang vì thiếu vốn.
Chỉ sợ mưa trong BQL dự án đường Hồ Chí Minh
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Thể, tình trạng thi công dở dang đang trở thanh mối nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Dự án được ông Thể nhắc đến là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Tháp thi công dở dang khiến số vụ tai nạn giao thông tăng cao. Bên cạnh đó nhiều tuyến quốc lộ chất lượng kém hơn đường tỉnh lộ, nhưng vẫn chưa được sửa chữa, tu bổ. Phó chủ tịch tỉnh này kiến nghị và hi vọng dự án đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành trong năm 2013 để người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông.
Trả lời những thắc mắc của các địa phương, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn cho biết, trong năm 2012 đã triển khai được khoảng 128 km Đường Hồ Chí Minh. Số cầu hoàn thành khoảng 108 km, đạt 70%, trong đó có cả cầu chính, cầu nông thôn.
Theo ông Sơn, lẽ ra trong năm 2012 đã hoàn thành tất cả các dự án. Tuy nhiên do yếu tố thời tiết, như ở Tây Nguyên mãi đến tháng 11 mới tạnh mưa. Thứ hai vốn ra muộn nhưng lại thiếu nhiều. Thứ ba mặt bằng vẫn còn bị vướng ở đây đó mới dẫn đến dự án chậm tiến độ.
"Đối với đường Hồ Chí Minh chủ yếu nằm ở phía Tây. Khu vực này thời tiết cũng gặp nhiều khó khăn, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5. Chúng tôi phải tranh thủ thời gian vào mùa khô để thi công dự án".
Để hoàn thành sớm dự án, ông Sơn kiến nghị giao sớm nguồn vốn theo kế hoạch trong năm 2013. "
Nhà thầu rất lo vì đang làm việc tích cực mà lại đứt gánh giữa chừng vì vốn không có. Nhiều nhà thầu luôn hỏi BQL kế hoạch 2013 đã có chưa để họ bắt tay vào triển khai. Nhưng vốn của năm 2013 chắc cũng không đủ.
Chúng tôi kiến nghị vốn giao trong năm 2014 cần có kế hoạch sớm để chúng tôi chủ động, vì hiện đang là thời điểm mùa khô".
Ông Sơn cũng cho biết hiện đang tiến hành một số dự án dở dang, nhưng có những gói thầu đã hoàn thành. Như ở Cao Bằng, dự án đã hoàn thành được 30 trên tổng số 45 km, nhưng vẫn chưa thể bàn giao.
Ông Sơn kiến nghị áp dụng phương pháp như đường Hồ Chí Minh, cây số nào hoàn thành thì bàn giao luôn cây số đó để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời nhà thầu có thể tính mốc bảo hành.
Trước đề nghị đó Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, cả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, và NSNN năm 2013 đã giao rồi. Còn vốn ứng năm 2014 thì đang làm việc với Bộ KH&ĐT.
Đề cập đến chuyện tời tiết, ông Thăng bảo, chuyện mưa bão thì đương nhiên. "Cái quan trọng là BQL phải lo cho khỏi mưa ở chính trong BQL ấy. Đừng để... BQL mưa cả 12 tháng trong năm mà ảnh hưởng đến công việc. Nếu chủ động biết thời tiết rồi thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được".
Đối với việc làm đến đâu bàn giao tới đó, Bộ trưởng nói lần đầu tiên nghe thấy. "Nhưng vì chất lượng công trình anh làm không tốt nên người ta không nhận. Thứ nữa anh không thể bàn giao một hai cây số được.
Là BQL anh phải tập trung xử lý dứt điểm, không thể bàn giao xôi đỗ như thế được. Làm vậy vừa mất an toàn giao thông mà công trình lại không đảm bảo. Nếu cứ cách làm ăn như thế thì bây giờ đang là BQL đường Hồ Chí Minh, không khéo lại trở thành Hợp tác xã đường Hồ Chí Minh".
Trước đó Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách, kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, cũng như việc phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng.