Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Bá Quyền
bày tỏ sự ngưỡng mộ phong cách làm việc dám nghĩ dám làm của Bộ trưởng
Đinh La Thăng.
Tuy nhiên với tình hình tai nạn giao thông hiện rất nghiêm trọng, cầu đường làm trước hư sau như hiện nay, đại biểu Quyền yêu cầu người đứng đầu ngành giao thông cho biết giải pháp đột phá.
Cùng chung bức xúc, đại biểu Nguyễn Thành Tâm chất vấn ông Thăng xung quanh vấn nạn ùn tắc, tai nạn giao thông. Ngoài ra, "công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh", khi hỏng nhà nước phải bỏ tiền sửa, mất tiền 2 lần. "Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì", đại biểu Tâm chất vấn.
Đại biểu liên tục chất vấn Bộ trưởng Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.
Lần đầu đăng đàn, Bộ trưởng Thăng tỏ ra khá lúng túng. "Là người trả lời đầu tiên nên tôi có lúng túng, mong các đại biểu, cử tri thông cảm. Coi như một cuộc thi, những bộ trưởng khác là người thi sau sẽ làm tốt hơn", sự thẳng thắn của ông Thăng khiến cả hội trường cười ồ. Đến sáng nay, ông Thăng mới đảm nhận cương vị được 3 tháng 15 ngày.
Ông Thăng trình bày lại những giải pháp chủ yếu được gửi tới đại biểu 2 ngày trước. Theo ông, xử lý, giảm thiểu tai nạn mấu chốt phải đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh. Cần đầu tư đồng bộ đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển - đường thủy nội địa. Đây là điểm đột phá trong 10 năm tới.
Đối với "thảm họa" tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ
trưởng Thăng cho rằng cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà
nước. Thế nhưng, hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến người
dân không chấp hành pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn.
Liên quan tới ùn tắc, đặc biệt tại 2 thành phố lớn, Bộ
trưởng Giao thông cho rằng, trách nhiệm chủ trì thuộc chính quyền địa
phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý, thời gian qua Bộ Giao thông
đã tích cực tham gia cùng với Hà Nội, TP HCM.
Dẫn ra đề xuất đổi giờ làm, ông Thăng phản bác ý kiến cho rằng đây là giải pháp chắp vá vì nó nằm trong tổng thể các giải pháp, nếu chờ có đủ giải pháp mới thực hiện thì không bao giờ giải quyết được.
"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè bị mang cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân", ông Thăng nói.
Tuy nhiên, phần trả lời dài 20 phút của Bộ trưởng Thăng chưa làm các đại biểu thỏa mãn. Bốn đại biểu đăng đàn đợt đầu đều tái chất vấn. "Tôi thông cảm với Bộ trưởng nhưng nếu trả lời lòng vòng thế thì ai cũng làm được. Xin Bộ trưởng nói rõ bao nhiêu năm thì giảm được tai nạn giao thông", đại biểu Nguyễn Bá Quyền nêu lại vấn đề.
Theo Bộ trưởng Thăng, tai nạn, ùn tắc là hệ quả của phát triển kinh tế, xã hội, nhiều nước láng giềng cũng gặp như Thái Lan, Trung Quốc. "Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước", ông Thăng trả lời.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá chất vấn về sự xuống cấp của đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Hoàng Hà.
Đánh giá cao tinh thần của Bộ trưởng song đại biểu Nguyễn Thành Tâm e ngại nếu làm nghiêm việc xử lý cán bộ tiêu cực thì có đủ người để thay thế. Lần lượt đại biểu Nguyễn Thị Khá, Trần Ngọc Vinh cũng nêu lại câu hỏi...
Trả lời chất vấn lần thứ hai của đại biểu Nguyễn Thành
Tâm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, với các công trình chậm, hỏng
nhanh, thất thoát, trong thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy chuẩn bị dự
án có chất lượng và nhanh hơn, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu
tốt.
Đặc biệt, cần công khai minh bạch để dân giám sát, thay thế kịp thời những nhà thầu, tư vấn thiết kết không đảm bảo yêu cầu.
Đại biểu Bùi Thị An chất vấn, tình trạng đường kém chất lượng hiện nay là do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Và Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình, cũng như có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?
Lo lắng trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó 75% do người điều khiển, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đổ lỗi cho các trung tâm đào tạo lái xe và đặt câu hỏi: "Với cương vị bộ trưởng, mức độ quan tâm của bộ trưởng tới vấn đề này như thế nào? Có tính tới việc giải thể các trung tâm kém chất lượng?".
Bộ trưởng Thăng cho hay, trong những năm tới, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông lên tới hơn 70 tỷ USD nên không thể trông chờ ngân sách nhà nước mà phải đi vay. Do vậy, phải có giải pháp đột phá về quy hoạch, đầu tư giao thông theo cách tập trung, dứt điểm, hướng vào mục tiêu năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.
"Không phải có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu thành chắp vá. Trước hết phải nâng cao chất lượng dự báo, quy hoạch giao thông, phải gắn chặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông ở các đô thị lớn", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị phải có đột phá về cơ chế giải phóng mặt bằng bởi hiện các công trình giao thông chậm 3-5 năm do không có mặt bằng thi công. Muốn làm được điều này, theo ông Thăng, phải sửa Luật đấu thầu vì quy đinh hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.
Để đại biểu hiểu rõ hơn thực trạng của ngành, hai ngày trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Thăng đã gửi Quốc hội báo cáo về thực trạng tai nạn và ùn tắc giao thông cũng như đưa ra các giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm hạn chế vấn nạn này.
"Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu", người đứng đầu ngành giao thông nhận định.
Chiều cùng ngày, sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ giải trình việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.
Theo Tiến Dũng - Nguyễn Hưng
VNE