Bộ trưởng Tài chính khen Bộ trưởng Thăng khi trả lời chất vấn

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Đó là lời khen của Bộ trưởng Tài chính dành cho Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc quyết liệt và khẩn trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chiều nay, 10/6, lần đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên chất vấn, bại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn: “Về việc Cổ phần hóa doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết về cổ phần hóa đến 2015, “nếu anh không làm thì nhường chỗ cho người khác" nhưng sao đến nay vẫn chậm? Sao Bộ không tham mưu cho Chính phủ có các chế tài xử phạt đối với việc chậm trễ này?”

Về lý do việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm và việc chậm xử lý những người có trách nhiệm, bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu và trình Chính phủ những văn bản pháp lý có liên quan. Cơ bản đến nay, căn bản về mặt pháp lý trong công tác cổ phần hóa và các giải pháp nhằm đẩy mạnh về cơ bản đã đầy đủ”.

Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này cũng chia sẻ: “Theo phân công của Chính phủ, các bộ, nghành, UBND các tỉnh là các đơn vị chỉ đạo việc này cùng với các lãnh đạo các công ty. Trong quá trình thực hiện, việc cổ phần hóa tùy thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các bộ ngành, địa phương. Vừa qua trong Hội nghị triển khai đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, có những bộ, ngành rất tiêu biểu. Những bộ, ngành này trong thực tế thời gian vừa qua đã phối hợp với Bộ Tài Chính rất chặt chẽ như Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT”.

Về việc cổ phần hóa, Bộ trưởng Thăng từng tuyên bố: Đơn vị nào không hoàn thành tiến trình cổ phẩn hóa, cuối năm ban lãnh đạo bị điều chuyển đi làm việc khác.
Về việc cổ phần hóa, Bộ trưởng Thăng từng tuyên bố: "Đơn vị nào không hoàn thành tiến trình cổ phẩn hóa, cuối năm ban lãnh đạo bị điều chuyển đi làm việc khác".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lấy ví dụ: “Báo cáo với Quốc hội, tôi với Bộ trưởng Bộ GTVT có giao kèo với nhau là 6 tháng gặp nhau 1 lần, có những lần gặp nhau, Bộ GTVT đưa ra mấy chục kiến nghị, về cơ bản những kiến nghị ấy được chúng tôi trong phạm vi quyền hạn của mình giải quyết ngay lập tức. Cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu ngành như thế thì tiến trình cổ phần hóa trong thời gian vừa qua của Bộ GTVT rất nhanh. Bộ NN&PTNT cũng như thế”.

Bộ trưởng Tài chính khẳng định: “Chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành tiếp tục đôn đốc việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”

Cũng tại phiên chất vấn, trước ý kiến của Đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong những nhập nhẳng về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải: “Việc điều hành giá xăng dầu trong nửa năm gần đây rất thị trường rồi. Chúng ta có những lúc điều hành giật cục, đáng nhẽ tăng nhưng lại giữ giá thấp, đến lúc thả ra lại thành cao. Tuy nhiên, thời gian qua điều hành rất thường xuyên. Tránh tác động tiêu cực đến vĩ mô và lạm phát. Quỹ bình ổn giá xăng dầu đóng vai trò chiếc van điều tiết. Chiếc van này xử lý khi giá xăng dầy lên cao hoặc xuống thấp.

Về bản chất, người tiêu dùng phải trả đúng giá nhưng van này được sử dụng để tránh cú sốc, tránh lạm phát. Năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, van này được sử dụng triệt để. Van này rất quan trọng, giúp việc điều hành giá xăng dầu uyển chuyển, công khai và minh bạch”.

Về yếu kém trong quản lý tình trạng tạm nhập, tái xuất, Bộ trưởng Tài chính nói: “Chúng tôi hoan nghênh ý kiến của đại biểu. Mặt trận xăng dầu rất là nóng bỏng trong việc chống buôn lậu. Thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung vào tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và đã có kết quả. Hải quan đã lập 3 chuyên án về buôn lậu xăng dầu. Qua đấu tranh phát hiện, đã phát hiện hơn 3 nghìn tấn xăng dầu và cơ quan đã tiến hành khởi tố các đối tượng phạm tội.

Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội về sửa đổi Thuế, theo đó đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và mặt hàng tạm nhập tái xuất xăng dầu nói riêng phải đóng thuế”.

Bên cạnh như ý kiến chất vấn về tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng như việc quản lý giá xăng dầu, tình trạng tạm nhập nhiều hơn tái xuất xăng dầu, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung chất vấn Bộ trưởng tài chính về nợ công và việc thu chi ngân sách.

Trước những chất vấn liên tiếp về nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Bàn về nợ công cần chú ý đến hai yếu tố quan trọng đó: cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Theo số tuyệt đối, trong những năm gần đây, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013). Như vậy, nợ công hiện vẫn ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Thời điểm trả nợ rất quan trọng. Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2- 5 năm.

Các đại biểu sốt ruột là đúng song mức trả nợ vẫn cho phép… nợ công của vẫn nằm trong ngưỡng an toàn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại