Đối thoại với người dân sáng 21/8, lãnh đạo Bộ Tài nguyên khẳng định việc thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) phục vụ cả lợi ích quốc gia lẫn công cộng. Quyết định cưỡng chế đất thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Sáng 21/8, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì cuộc đối thoại với đại diện gần 100 hộ dân 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan (Văn Giang).
Liên quan tới dự án khu đô thị Văn Giang, luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho các hộ dân đặt câu hỏi, vì sao Bộ Tài nguyên tham mưu cho quyết định 303 của Thủ tướng xác định quỹ đất để tạo vốn xây dựng công trình cơ sở hạ tầng (1.650 ha, trong đó có 500 ha đất sau này được coi là đất của dự án khu đô thị Văn Giang) là đất chuyên dùng, trong khi thực tế theo chủ đầu tư dự án, 30% của 500 ha đất này được dùng làm đất ở.
Luật sư Trần Vũ Hải (áo sọc) và Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trong cuộc đối thoại sáng 21/8. Ảnh:N.Hưng.
Theo Thứ trưởng Hiển, quyết định 303 xác định 500 ha là quỹ đất tạo vốn xây cơ sở hạ tầng khu đô thị, còn xác định các loại đất ở, đất cây xanh phải thực hiện theo quyết định phê duyệt khu đô thị Văn Giang do UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ quy hoạch này, có 30% (tương đương 149 ha) đất ở, đất thương mại dịch vụ (133 ha) chiếm 26,8%. Quyết định của UBND tỉnh cũng phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị, xác định rõ đất ở là 149 ha.
Cũng liên quan tới quyết định 303, đại diện các hộ dân ở Văn Giang chất vấn vì sao tờ trình của UBND tỉnh không được HĐND thông qua theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn được Bộ Tài nguyên Môi trường bỏ qua, không báo cáo Thủ tướng.
Theo ông Hiển, chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là chủ trương lớn, tất cả dự án đổi đất phải trình, Thủ tướng đồng ý mới được thực hiện. Hưng Yên đã trình Thủ tướng chủ trương này và đã được đồng ý. Chủ trương này phải được tỉnh ủy, HĐND thống nhất, hoặc thường vụ tỉnh ủy HĐND và thường trực UBND đồng ý.
"Tại thông báo 435 ngày 5/12/2003 của Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về triển khai chủ trương, nói rõ có ý kiến của Thường vụ tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND. Chúng tôi căn cứ văn bản này", ông Hiển cho hay.
Cuối buổi đối thoại, đại diện người dân Văn Giang chất vấn lãnh đạo Bộ Tài nguyên về tính hợp pháp của việc cưỡng chế thu hồi đất và hỗ trợ thi công của tỉnh Hưng Yên vào ngày 24/4.Theo Thứ trưởng Hiển, việc cưỡng chế thu hồi đất và áp dụng biện pháp hỗ trợ thi công là việc của tỉnh Hưng Yên chứ không phải Bộ Tài nguyên Môi trường. Luật đất đai không hướng dẫn trình tự thủ tục cưỡng chế mà "phải theo các luật khác".
"Xung quanh vụ cưỡng chế, Thủ tướng đã có thông báo kết luận. Khiếu nại các quyết định hành chính được thực hiện tại tòa án theo quy định pháp luật và tôi biết bà con đang khiếu nại ra tòa", ông Hiển không trả lời trực tiếp câu hỏi.
Theo ông Hiển cho biết, Thanh tra Chính phủ là cơ quan được giao phối hợp cùng UBND tỉnh xem xét báo cáo Chính phủ. "Đoàn của Bộ Tài nguyên đi với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, để nắm tình hình chứ không phải rà soát hay có trách nhiệm chính trong việc xem xét giải quyết", ông Hiển nói.
Buổi đối thoại kéo dài hơn 4 giờ. Ảnh:N.Hưng.
Trong suốt buổi đối thoại kéo dài gần hơn 4 giờ, đại diện của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Hưng Yên, Văn phòng Chính phủ đều có mặt và được người dân yêu cầu trả lời, song chỉ có người chủ trì - Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đối thoại.