Lì xì để... tôn vinh nhau
GS Ngô Đức Thịnh
GS Ngô Đức Thịnh (Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa): Trong quan hệ giữa ông bà đối với con cháu và con cháu đối với ông bà thì lì xì là là dịp để tặng quà nhau, mừng tuổi giữa bề trên đối với bề dưới, con cháu với ông bà, cha mẹ. Lì xì mang ý nghĩa tượng trưng là để mừng cho nhau, tôn vinh nhau. Nó xuất hiện từ thời phong kiến ở nước ta.
Đây là một phong tục truyền thống đẹp của nước ta, nhưng hiện nay nó đã bị biến tướng, không còn giữ nét đẹp như trước đây nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bỏ đi phong tục này. Chúng ta phải hiểu rằng không phải lì xì sinh ra tham nhũng, hối lộ. Người ta có nhiều cách tham nhũng. Thay vì lì xì thì người ta gửi tiền vào tài khoản, mua nhà, biếu quà...
Việc tặng quà cho nhau có hai giá trị: Thứ nhất để tạo sự thân mật. Thứ hai để đổi chác, mua bán. Nếu người này tặng người kia phong lì xì 1.000 đô la thì người đưa cũng không coi trọng người nhận, vì đây không đơn thuần là tặng quà bình thường cho nhau. Số tiến lớn đó chỉ có thể đổi lại với một vật gì đó tương thích. Nên xét về mặt nào đó thì việc tặng quà đó không có giá trị gì cả. Số tiền càng nhiều thì giá trị càng ít. Không còn ý nghĩa tôn vinh nhau.
Tâm lý "hưởng lộc" từ cấp dưới
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Lì xì là phong tục có từ lâu đời. Trước đây, lì xì chủ yếu là để mừng tuổi người già và trẻ em. Phong tục này có ý nghĩa làm cho các cụ, các cháu vui mỗi độ Tết đến xuân về. Nó có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất.
Bây giờ, trong nhiều trường hợp, lì xì đã biến tướng thành hối lộ công khai. Thậm chí, nhiều người còn lấy tiền công mang đi hối lộ, nhằm mưu lợi cá nhân. Chính phủ và nhiều địa phương đã quy định: "Không mang công quỹ đi biếu xén, chúc Tết lãnh đạo". Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Đời sống vật chất càng phát triển thì người ta càng có điều kiện cấu kết, móc ngoặc nhau.
Bỏ hẳn phong tục lì xì dịp Tết thì không có tính khả thi. Nhưng tình trạng mượn danh lì xì để hối lộ thì cần phải chấm dứt. Để chấm dứt, điều quan trọng nhất là những người hưởng lợi từ việc bóp méo phong tục tốt đẹp của dân tộc phải tu tỉnh. Còn nếu các quan chức vẫn có tâm lý chờ dịp Tết để "hưởng lộc" từ cấp dưới thì khó mà ngăn chặn sự biến tướng của phong tục.
Chỉ mong đến Tết để nhận lì xì
Em Nguyễn Văn Đức
Em Nguyễn Văn Đức (lớp 3, trường Tiểu học Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng): Mỗi dịp Tết đến em thích nhất được bố mẹ, cô chú tặng lì xì. Ngày nhỏ thì thích có được nhiều đồng tiền mới keng, nhưng giờ lớn khi mở phong lì xì ra nếu tiền càng mới, mệnh giá lớn là thích.
Em chỉ mong sao cho thật nhanh đến Tết để mình được nhận lì xì của mọi người. Số tiền đó em sẽ gửi mẹ tiết kiệm để mua sách vở, mua quần áo vào năm học mới. Nếu giờ Tết mà không có ai lì xì thì ngày Tết sẽ chán lắm.
Theo Đức Lợi
Bee.net