Bộ Giao thông lấy thêm ý kiến về đề án thu phí lưu hành

camnhung |

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tính khả thi cũng như tác động của việc thu phí lưu hành, phí vào nội đô giờ cao điểm.

Thủ tướng vừa giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan để nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí trên để xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, thu phí lưu hành không chỉ giảm ùn tắc mà còn tạo ra nguồn thu đầu tư trở lại hạ tầng để phục vụ người dân tốt hơn. Việc thu này đảm bảo công bằng, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người đi xe máy thì nộp phí ở mức vừa phải. Còn người đi bộ, đi xe đạp thì không phải nộp.

Chủ ôtô có thể phải đóng phí ít nhất 20 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà.

"Thu phí là góp phần chống ùn tắc, một phần để đầu tư hạ tầng và giảm thiểu tác động môi trường. Vì mang lại lợi ích chung của cả đất nước thì không lẽ gì mọi người không chấp hành, tôi tin như vậy", Bộ trưởng Thăng bày tỏ.

Theo tờ trình Chính phủ tháng 11/2011, Bộ Giao thông đề xuất mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, ôtô tùy theo dung tích xilanh phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm; môtô, xe máy tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng mỗi năm phải đóng 500.000 đồng (xe dưới 175 cm3) và một triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (6h-8h30 và 16h-19h hàng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ) dự kiến là 30.000 đồng một lượt ôtô dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

Theo Đoàn Loan

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại