Trong số này, có bảy vị trong Bộ Chính trị khóa trước được tín nhiệm tái cử, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Tòng Thị Phóng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - cùng là phó chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an và ông Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
12 vị còn lại đều lần đầu tiên tham gia Bộ Chính trị, gồm các ông, bà: Trương Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao, Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phạm Minh Chính - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng, Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Tô Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an, Ngô Xuân Lịch - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT, Trần Quốc Vượng - Chánh Văn phòng Trung ương, Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Trong nhóm mới này, ông Hoàng Trung Hải tham gia trung ương nhiều nhất là ba khóa. Còn lại hầu hết đều hai khóa.
Trong số này, ông Võ Văn Thưởng (ủy viên dự khuyết khóa X và là ủy viên chính thức khóa XI) là người trẻ nhất. Ba trường hợp - ông Nguyễn Văn Bình, Phạm Minh Chính, Tô Lâm đã qua một khóa trung ương.
Có một số điểm đáng chú ý trong nhân sự lần này. Đó là lần đầu tiên một chánh án TAND Tối cao vào Bộ Chính trị, trong khi trước đây cao lắm chỉ là bí thư Trung ương Đảng.
Đặc biệt hơn, chưa bao giờ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ GTVT có mặt trong Bộ Chính trị.
Ngoài ra xét về chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Chính trị lần này có tới sáu vị từng công tác trong ngành pháp luật và có hiểu biết sâu về pháp luật.
Như các ông Trần Đại Quang, Phạm Minh Chính, Tô Lâm đều gốc ngành công an. Ông Trương Hòa Bình thì trải qua cả ba ngành công an, kiểm sát, tòa án. Bà Tòng Thị Phóng, ông Trần Quốc Vượng đều gốc ngành kiểm sát.
Điều này mang lại hy vọng họ sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và bảo vệ, tôn trọng hơn nữa quyền con người được nhấn mạnh trong Hiến pháp 2013.
Về cơ cấu độ tuổi, ngoài ông Trọng cao tuổi nhất (72 tuổi) thì nhóm 60-63 tuổi có chín vị, nhóm 55-59 tuổi có tám vị. Thành viên còn lại, trẻ nhất, như chúng tôi đã nói trên đây là ông Võ Văn Thưởng - 46 tuổi.
Như thế, nếu xét về yêu cầu cơ cấu ba độ tuổi thì nhóm trẻ trong Bộ Chính trị là ít.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp báo ra mắt cũng thừa nhận thực tế này và cho rằng “còn nhiều việc phải làm” và “phải có tâm, quan tâm chăm lo cho anh chị em trẻ”.