Biểu tình khắp nước Mỹ, 300 người bị bắt

lananh |

Người biểu tình "Chiếm Phố Wall" đổ ra khắp các đường phố ở Mỹ, đánh dấu hai tháng kể từ khi phong trào nổ ra và quyết không lùi bước.


Các cuộc biểu tình ở các thành phố bao gồm Los Angeles, Las Vegas, Boston, Washington và Portland phần lớn diễn ra trong hòa bình. Hầu hết những người bị giam giữ là vì hành vi phong tỏa và gây mất trật tự giao thông. Họ chỉ bị bắt trong thời gian ngắn.

Hét lớn khẩu hiệu: "Cả ngày, cả tuần đóng cửa Phố Wall", hơn 1.000 người biểu tình tập trung gần sàn giao dịch chứng khoán New York, ngồi giữa các ngã tư. Cảnh sát dẹp một số nhóm tuần hành và hoạt động của sàn chứng khoán không bị ảnh hưởng.

Người biểu tình tuần hành tại New York hôm qua. Ảnh: AFP

Khi đêm xuống, một liên minh gồm các công đoàn và nhóm cấp tiến tham gia với đoàn biểu tình tổ chức các cuộc tuần hành ở những cây cầu nổi tiếng khắp các thành phố Mỹ để phản đối tình trạng thiếu việc làm.

Ở New York, đám đông vài nghìn người, chen cứng ở quảng trường Foley tại Mahattan và sau đó tuần hành hòa bình tới cầu Brooklyn. Trong lúc họ đi, một khẩu hiệu được thắp sáng trên một tòa nhà cao tầng với dòng chữ: "Chúng tôi là 99%", ám chỉ tới những người Mỹ không thuộc giới siêu giàu. Cảnh sát mặc áo gió thay vì trang phục chống bạo động bắt ít nhất 20 người đi sang phần đường dành cho xe cộ trên cầu. Tuy nhiên, phần lớn người khác không bị làm phiền.

Cuộc biểu tình diễn ra hai ngày sau khi cảnh sát truy quét một khu trại của người biểu tình ở công viên Zuccotti, từng là trụ sở của phong trào Chiếm Phố Wall. "Đây là thời điểm quan trọng của phong trào", Paul Knick, một kỹ sư phần mềm ở New Jersey, cho biết. "Dường như người ta đang nỗ lực ngăn chặn phong trào và tôi ở đây để đảm bảo điều đó không xảy ra".

Ít nhất 300 người bị bắt tại New York. Một số chảy máu trong các cuộc bắt giữ. Một người bị bắt giam vì ném chất lỏng, có thể là giấm, vào mặt cảnh sát. Nhiều người biểu tình mang theo giấm để chống bị bắn hơi cay. Cảnh sát cũng phải chịu tổn thất trong các cuộc truy quét. Một sĩ quan cảnh sát có tên Matthew Walters đã bị khâu 20 mũi ở cánh tay sau khi bị trúng một mảnh kính.

Tại Los Angeles, bang California, khoảng 500 người biểu tình tổ chức tuần hành tại trung tâm thành phố, từ tòa tháp Ngân hàng Mỹ tới tòa nhà Wells Fargo Plaza. Họ hô vang khẩu hiệu: "Các ngân hàng được bảo lãnh, trong khi chúng tôi chẳng còn gì". Hơn 20 người đã bị bắt tại thành phố này.

21 người biểu tình cũng bị bắt ở Las Vegas, bang Nevada. Tại Portland, bang Oregon, 20 người cũng bị dẫn đi với những chiếc còng nhựa trên tay vì biểu tình ngồi trên một cây cầu. Khoảng 10 người bị bắt tại thành phố St. Louis, bang Missouri, sau khi ngồi bắt chân chữ ngũ và khoanh tay trong nỗ lực chặn một cây cầu bắc qua sông Mississippi. Rất nhiều người khác cũng bị tra tay vào còng số 8 vì tham gia chặn các cây cầu ở Philadelphia (bang Pennsylvania) và Minneapolis (bang Minnesota).

Những người biểu tình đổ ra các con phố ở Chicago. Ảnh: AFP

Ở Chicago, bang Illinois, hàng trăm người biểu tình được tổ chức trong các nhóm công đoàn và cộng đồng đã đi tuần hành tới sống Chicago. Họ dừng lại trên cây cầu bắc qua sông và chặn nó lại đúng vào giờ cao điểm. Cảnh sát buộc phải điều khiển nhiều xe ôtô và khách bộ hành chuyển hướng. Nhiều người dân theo dõi cuộc biểu tình từ cửa sổ các văn phòng và các trạm xe buýt.

Tại Seattle, bang Washington, hàng trăm người tham gia phong trào "Chiếm Seattle" đã chặn cầu University như một phần trong ngày hành động quốc gia để đưa ra yêu cầu về việc làm. Giao thông trở nên lộn xộn quanh quận University khi hai đoàn biểu tình tuần hành dọc cây cầu.

Các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ nổ ra không lâu sau khi cảnh sát ở nhiều thành phố tiến hành chiến dịch trấn áp mạnh tay với phòng trào phản đối đã kéo dài hơn 2 tháng nay. Nó cũng xảy ra ngay sau khi một tòa án ở New York ra phán quyết cho phép người biểu tình trở lại công viên Zuccotti, cái nôi của phong trào "Chiếm phố Wall", nhưng không được mang theo lều trại và túi ngủ. Điều này đồng nghĩa với việc phong trào biểu tình sẽ chỉ có thể diễn ra vào ban ngày, thay vì từ ngày này qua ngày khác như trước.

Phong trào "Chiếm phố Wall" bùng phát từ New York ngày 17/9, với khẩu hiệu chống lại "giới doanh nghiệp tham lam" cùng sự lo lắng trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ. Phong trào nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng và lan rộng khắp nước Mỹ, rồi trở thành một phong trào toàn cầu.

Theo VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại