Chính quyền Q.Liên Chiểu chưa liên lạc được với ông Quang.
Ngôi biệt phủ với cả chục ngôi nhà lớn nhỏ vẫn nằm bề thế bên lưng chừng núi Hải Vân. Con đường vào ngôi biệt phủ cũng như không khí tại đây khá vắng lặng sau khi lãnh đạo TP Đà Nẵng có quyết định cuối cùng là buộc tháo dỡ.
“Tôi tha thiết rằng nếu đã xử lý thì phải công bằng, là công dân, ông Thạch cũng phải được đối xử như ông Quang
Cựu chiến binh N.N.H.
“Không hiểu lý do gì?”
Trong khi đó, chỉ cách ngôi biệt phủ của ông Quang một con đường, ngôi biệt thự của thiếu tướng Phan Như Thạch đã được đập bỏ hoàn toàn.
Theo một người dân sống cạnh bên khu biệt thự nhà ông Thạch thì từ khi ông Thạch đập ngôi biệt thự, khu vườn này bỏ hoang chứ không thấy người trông coi cẩn thận như trước kia.
Ông N.N.H., một cựu chiến binh ở P.Hòa Hiệp Bắc sống gần ngôi biệt thự trước kia của ông Thạch, nói: “Ông Thạch là thiếu tướng công an, ông xây trái phép, khi bị chính quyền buộc tháo dỡ thì ông chấp hành nghiêm, tháo nhà ngay.
Còn ông Quang vì sao đến nay chưa tháo dỡ? Tôi tha thiết rằng nếu xử lý thì phải công bằng, là công dân, ông Thạch cũng phải được đối xử như ông Quang”.
Trước đó, trong một lá đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng, 96 hộ dân ở Q.Liên Chiểu cho rằng Nhà nước cần để cho công trình của ông Quang tồn tại.
Lý do họ đưa ra là khu biệt phủ của ông Quang tạo công ăn việc làm cho cả vài chục người dân địa phương, khu nhà của ông Quang tạo ra cảnh quan, môi trường sống đẹp.
Điều đáng nói, dù xưng danh là đại diện cho cán bộ và nhân dân P.Hòa Hiệp Bắc và Q.Liên Chiểu nhưng thực tế không có ai là cán bộ đương nhiệm ký vào đơn.
Theo người dân địa phương, khi xây dựng thì công trình nhà ông Quang đúng là có tạo công ăn việc làm cho vài chục người dân địa phương, từ khi xây dựng xong ông chủ chỉ thuê vài người thường xuyên vào dọn dẹp khu nhà.
Theo tìm hiểu, vụ việc ông Quang được xử lý chậm và kéo dài là do có một vài ý kiến cán bộ ở Đà Nẵng cho rằng nên xem xét cho ông Quang giữ lại ngôi biệt phủ để tránh lãng phí.
Tại một cuộc họp của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào tháng 7-2015, một ý kiến đề nghị xem xét nhưng cuối cùng tập thể thường vụ không đồng ý, yêu cầu xử lý nghiêm theo pháp luật.
Vụ việc sau đó kéo dài đến gần thời điểm cuối cùng phải tháo dỡ thì xuất hiện lá đơn của 96 hộ dân Liên Chiểu gửi đến Thủ tướng và một số cơ quan trung ương đề nghị xem xét giữ lại khu nhà của ông Quang.
Nhà thiếu tướng Thạch đã đập bỏ - Ảnh: Hữu Khá
Chưa liên lạc được ông Quang
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thủy - phó tổng Thanh tra Chính phủ - nói: “Trước đó, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của ông Ngô Văn Quang về việc xử lý đối với công trình xây dựng của ông.
Đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng nhận được văn bản ngày 12-10 của ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN gửi tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường về việc đề nghị giải quyết đơn của ông Ngô Văn Quang”.
Trong thời gian Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra, UBND TP Đà Nẵng có quyết định tạm dừng việc thực hiện tháo dỡ để đợi ý kiến của đoàn kiểm tra.
Theo bà Thủy, sau đó Thanh tra Chính phủ có lập đoàn vào Đà Nẵng kiểm tra và trên cơ sở báo cáo của đoàn, ngày 1-12 Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương xem xét, giải quyết vụ việc của ông Quang theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng.
Chiều 6-12, ông Đàm Quang Hưng, phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho hay từ khi có công văn của UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tháo dỡ biệt phủ, quận đã liên lạc để mời ông Ngô Văn Quang đến nhằm thông báo nhưng vẫn chưa liên lạc hay gặp ông Quang được.
Đồng thời quận cũng gửi thông báo đến ông Quang, mời ngày 7-12 đến để phối hợp thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Trong trường hợp ông Quang không chấp hành đúng chỉ đạo của TP về việc tháo dỡ thì quận sẽ ra quân thực hiện cưỡng chế.
Trường hợp ông Quang cho rằng đến nay đơn thư của ông và 96 hộ dân khu vực này chưa có thông báo hay kết luận cuối cùng của Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn ra quyết định tháo dỡ biệt thự thì có đúng pháp luật không?
Ông Hưng cho rằng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi TP Đà Nẵng khẳng định vụ việc của ông Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng.
Diễn biến vụ việc
* Ngày 10-12-2014, Tuổi Trẻ là tờ báo đầu tiên thông tin về vụ việc xây dựng trái phép của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang. Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh, chính quyền Đà Nẵng cho kiểm tra nhưng sau đó lúng túng trong xử lý.
Tiếp theo đó, chính quyền Đà Nẵng và các sở ngành, Q.Liên Chiểu có rất nhiều cuộc họp, rà soát tất cả giấy tờ liên quan. Đến ngày 4-2-2015, chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu ra quyết định buộc tháo dỡ các căn biệt thự trái phép.
* Ngày 4-3, ông Phan Như Thạch cho tháo dỡ hoàn toàn căn biệt thự, riêng khu biệt phủ của ông Quang thì chủ nhân chưa chấp hành tháo dỡ.
Sau đó, ông Quang có đơn gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng xem xét cho giữ lại ngôi biệt phủ. Nhưng tại kỳ họp vào tháng 7-2015, HĐND TP Đà Nẵng ra nghị quyết yêu cầu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý nghiêm, tháo dỡ khu nhà của ông Quang.
Sau đó, ông Quang và các hộ dân ở Liên Chiểu có đơn gửi Thủ tướng và một số cơ quan trung ương đề nghị xem xét giữ lại khu nhà.
* Ngày 12-10, ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN gửi tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường về việc đề nghị giải quyết đơn của ông Ngô Văn Quang nên Thanh tra Chính phủ lập đoàn vào Đà Nẵng kiểm tra vụ việc.
Trong quá trình kiểm tra, UBND TP Đà Nẵng cho tạm dừng thực hiện quyết định tháo dỡ ngôi biệt thự của ông Quang.
* Ngày 1-12, Thanh tra Chính phủ có văn bản trả lời vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND TP Đà Nẵng.
* Ngày 4-12, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn ký văn bản yêu cầu Q.Liên Chiểu xử lý nghiêm vụ việc.