Bị tung ảnh "tự sướng": Cán bộ chữ thập đỏ có thể đòi bồi thường

Nhóm PV |

Luật sư Thanh cho rằng, nếu chứng minh được việc bị tung ảnh "tự sướng" gây thiệt hại cho bản thân, bà H, hoàn toàn có thể đòi bồi thường.

Một bức ảnh của nhân vật nữ được cho là thành viên Đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tươi cười bên căn nhà đổ nát tại Nepal đã khiến dư luận dậy sóng.

Nhân vật chính trong bức ảnh trên là bà N.L.H. Mới đây, bà N.L.H. đã gửi đơn ủy quyền đến văn phòng Luật sư Trọng Hải và các cộng sự để được bảo vệ. 

Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được từ VP Luật sư Trọng Hải, vào chiều 4/5, bà N.L.H đã đến để rút đơn yêu cầu luật sư bảo vệ.

Trước đó, nội dung đơn yêu cầu của luật sư do bà H. viết là đề nghị luật sư “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bí mật đời tư, bí mật công vụ trong chuyến đi công tác tại đất nước Nê pan”.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo như nội dung đề nghị trong đơn thì bà H. có lý do chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật khi đề nghị Luật sư bảo vệ.

 
luật sư giang hồng thanh
Người gây thiệt hại cho bà H. còn phải xin lỗi, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bà H. Đồng thời phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho bà H.

"Theo quy định của pháp luật, người nào bị thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường.

Trong trường hợp này, bà H. phải chứng minh những thiệt hại mà bản thân phải gánh chịu, ví dụ như thu nhập thực tế bị giảm sút, bị bạn bè người thân xa lánh, bị buộc thôi việc… do hậu quả của việc danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Nếu chứng minh được thì bà H. mới có cơ hội để được bồi thường", Luật sư Giang Thanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Luật sư Giang Thanh, ở trường hợp này, bà H. sẽ rất khó để có thể chứng minh những điều trên.

Luật sư Nguyễn Đức Long, Trưởng VP Luật sư Đức Tín (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho hay, nếu đây là hình ảnh đời tư và bà H. không tự đưa lên mà do người khác tung ra thì hoàn toàn có cơ sở để đề nghị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định.

Đơn ủy quyền của bà N.L.H. gửi luật sư đã được rút lại vào chiều 4/5.
Đơn ủy quyền của bà N.L.H. gửi luật sư đã được rút lại vào chiều 4/5.

"Nạn nhân" rút đơn, dừng vụ việc

Trước đó, khi được hỏi, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự (Nghệ An), người từng được đề nghị bảo vệ bà H. cũng nhấn mạnh, trường hợp này hoàn toàn có cơ sở để luật sư tham gia bảo vệ.

"Trong trường hợp này, đây là 1 hình ảnh đời tư, không hề xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác và nó không phải do cá nhân bà H. đưa lên mà bị người khác tung ra.

Do đó, hoàn toàn có cơ sở pháp luật để luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà H.", Luật sư Hải nói thêm.

Theo Luật sư Hải, do bà H. đã rút đơn mời luật sư bảo vệ vào chiêu 4/5 nên vụ việc sẽ dừng ở đây.

Cũng liên quan đến sự việc này, trao đổi với chúng tôi vào chiều 4/5, đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, cơ quan này đã họp để đưa ra hướng xử lý sự việc và sẽ có thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí.

"Cá nhân còn để ảnh trong kho, người nào đăng bức ảnh này mà chưa có sự đồng ý của cá nhân là vi phạm.

Còn thực tế, khi đoàn về còn bị ốm mấy người vì mấy ngày không có nước uống, không có thức ăn", ông Đặng Minh Châu, phụ trách truyền thông của Hội chữ thập đỏ VN nói thêm.

Còn bà H. khi được hỏi cũng từ chối đưa ra bình luận thêm về bức ảnh "tự sướng" mà mình là nhân vật chính do người khác tung lên mạng.

Điều 31  Bộ luật Dân sự năm 2005 có  quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý;

Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền:

Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự và quy định tại khoản c, điểm 3.3 Mục 3, Phần II, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì:

Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận.

Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại