Bí thư Thăng: Mấy cái máy lèo tèo từ 2002 thì lấy đâu hiệu quả?

Thanh Huyền |

“Đầu tư với vài cái máy lèo tèo từ năm 2002 rất cũ kỹ thì lấy đâu hiệu quả?”, Bí thư Thăng phát biểu trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP. HCM.

Chiều nay (15/3), ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường đại học thành viên của ĐHQG đã nêu ra những khó khăn, vấn đề còn tồn đọng cũng như những kiến nghị, mong muốn có thể cùng với thành phố phát triển nhiều lĩnh vực trong những năm tới.

Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM mong muốn cùng với thành phố đẩy nhanh công tác phát triển khoa học công nghệ, rà soát lại cơ chế đầu tư cho ĐHQG TP.HCM.

Đừng lãng phí tri thức nữa

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, ĐHQG có nguồn lực tri thức rất lớn nhưng vẫn còn lãng phí. Khu công nghệ cao đầu tư cơ sở vật chất còn rất ít và không mạnh, chưa sử dụng hiệu quả tài chính và các trung tâm nghiên cứu.

Do đó, theo ông Thăng, cần nghiên cứu để tháo gỡ từng vấn đề một. Ông nhấn mạnh: Phải giải phóng cơ chế tài chính mới nói chuyện giải phóng trí tuệ, giải phóng về cơ sở vật chất nói chung.

Những con người có tri thức, có tác phong làm việc công nghiệp, nếu sử dụng có hiệu quả thì đó là nguồn lực tri thức có hiệu quả quyết định cho sự phát triển của TP. HCM trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chúng ta xác định ĐHQG quan trọng vậy thì phải đầu tư phát triển hơn nữa, sau 20 năm chưa đạt được mục tiêu, đừng lãng phí tri thức nữa.

Điều đó cho thấy đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Đầu tư với vài cái máy lèo tèo từ năm 2002 rất cũ kỹ thì lấy đâu ra hiệu quả? Nhà nước cần tập trung đầu tư, cần coi đây là nguồn lực cho sự phát triển của mình.

Cần phát triển ĐHQG tầm cỡ như mục tiêu ban đầu đã đề ra. Đầu tư cho ĐHQG chính là đầu tư cho sự phát triển của thành phố cả về tri thức lẫn nguồn lực.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Dùng vốn xã hội, đừng dùng ngân sách

Bí thư Thăng cũng nhấn mạnh, để phát triển, nhà trường cần dùng vốn xã hội, thay vì vẫn cái cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước.

Làm như vậy mới không để xảy ra lãng phí tri thức như 20 năm qua, và thúc đẩy được khoa học kỹ thuật phát triển đúng nghĩa.

Ông Thăng gợi ý: Sở tài chính nghiên cứu để phối hợp thực hiện. Cần đề cao quyền tự chủ cho các trường và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: Nhà trường cần gắn kết với doanh nghiệp để phát huy sản phẩm nghiên cứu khoa học ra thị trường, đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM giao cho Sở tài chính nghiên cứu cơ chế hợp tác với ĐHQG, giao cho các hiệu trưởng thành lập lại hội đồng đại học.


Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM

ĐHQG TP.HCM có 7 đơn vị thành viên và 28 đơn vị trực thuộc với 5514 cán bộ giảng viên, đào tạo trên 5 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Kỹ thuật công nghệ, Quản lý kinh tế và Khoa học sức khỏe.

Năm 2010, ĐHQG TP.HCM gia nhập Hiệp hội CDIO (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành).

Hiện nay, ĐHQG TP.HCM có 5 trường, 29 khoa, 58 ngành triển khai CDIO.

ĐHQG TP.HCM được xem là Trung tâm khoa học lớn, được tín nhiệm hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ.

Với TP. HCM, ĐHQG xác định trách nhiệm của mình: Tham gia trực tiếp và phải trở thành một thành tố góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển TP. HCM.

Những năm qua, ĐHQG nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về chính sách và vật chất của thành phố.

ĐHQG cũng đã đưa ra các chương trình nghiên cứu khoa học áp dụng cho giải quyết các vấn đề tồn đọng của thành phố bao gồm: CT ứng dụng KHCN giảm ùn tắc giao thông; CT chống ngập; CT phát triển công nghệ vi mạch; CT khoa học y sinh…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại