Chiều 31-3, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết đã nhận được “Đơn tường trình” của ông Bh’riu Liếc, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tây Giang về việc đào hầm xuyên núi.
"Hiện Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn đang xem xét" - ông Cường cho hay.
Trong đơn tường trình, ông Liếc viết: Sau Tết âm lịch 2016, báo chí luôn phản ánh nhiều nội dung không tốt xảy ra trên địa bàn huyện Tây Giang như bài báo “Atiêng, lệnh miệng đào vàng” (đăng trên Báo Quảng Nam nói về việc Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang “lệnh miệng” cho doanh nghiệp đào vàng khi chưa được phép của tỉnh - PV), “Bí thư huyện đào hầm xuyên núi làm hầm rượu”… gây dư luận xấu, mất uy tín cán bộ.
Đường hầm của ông Liếc
Theo ông Liếc, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng và tham gia công tác trên 30 năm, vào Đảng hơn 25 năm.
Đã từng giữ nhiều trọng trách như Ủy viên Dự khuyết BCH TW khóa XI, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy khóa XXI, Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND tỉnh, huyện nhiều nhiệm kỳ; trình độ có hai bằng đại học, qua lớp Cao cấp Lý luận chính trị…
“Tôi luôn được cán bộ, nhân dân huyện Tây Giang và nhân dân Lào giáp biên giới với Tây Giang yêu mến, giúp đỡ, động viên để bản thân tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao phó.
Từ đó, bản thân tôi đủ biết những việc gì mình nên làm, nên tránh. Tôi không muốn để phụ lòng tin của bà con nhân dân, cán bộ Đảng viên tin tưởng mình, luôn lấy công việc làm thước đo để phấn đấu.
Việc gì có lợi cho dân Tây Giang tôi làm hết sức mình để phục vụ vì lợi ích của nhân dân” - ông Bh’riu Liếc tự hào.
Đơn tường trình của Bí thư Huyện ủy Tây Giang
Ông Bh’riu Liếc khẳng định việc đào hầm rượu là có thật. Việc đào hầm bắt đầu từ năm 2009 đến năm 2014 (2015, 2016 chưa đào lại vì bị dư luận lên án).
Phương tiện đào là dùng công cụ thô sơ như: cuốc, xà-beng, xẻng, xi-rô đục đá, xe cút-kít, không dùng sắt thép, xi măng.
Hầm mới đào thông lỗ chưa hoàn chỉnh, chiều cao hầm có chỗ 1,8-2 m, rộng 1 m, dài 48 m thông từ nhà bếp xuống đường cái.
Ông Bh’riu Liếc lý giải ông đào hầm là sở thích cá nhân vì muốn phục hồi nghề truyền thống nấu rượu từ men lá rừng, gạo ba trăng của gia đình mà thời gian qua gần như bị thất truyền.
“Tôi nghĩ sau này khi hết tuổi phục vụ, có thời gian rảnh rỗi sẽ phục hồi nghề gia truyền của gia đình (vì hồi trước ở quê ông già cũng hay để rượu trong hang đá, rượu thơm ngon).
Đơn thuần chỉ nghĩ và làm vì mục đích đó, chứ đâu có vàng bạc đào lấy để làm giàu bất chính như dư luận đồn thổi, quy kết.
Cả huyện Tây Giang này ai chả thấy tôi đào hầm 6, 7 năm nay. Đất đá lấy từ hầm ra hiện vẫn còn y cả đống ngay miệng hầm gần đường cái trục chính của tuyến đường số 1 đi biên giới, đất đá này hiện nay úa màu, rêu mốc.
Vậy nếu có vàng mà bỏ ngoài trời như vậy sao không thấy ai lấy đất đá đó mà làm giàu?” - ông Bh’riu Liếc trần tình.
Tự đặt dấu hỏi vì sao đào hầm không xin phép cơ quan chức năng, ông Bh’riu Liếc trả lời rằng đơn thuần nghĩ là đào hầm trên thửa đất của gia đình (có bìa đỏ) giống như đào giếng, đào ao, đào mương thoát nước…, thấy không ảnh hưởng tới môi trường sống của dân cư, không vi phạm luật tục của dân tộc và pháp luật.
Dù trước đó, ông Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tây Giang khẳng định với báo chí là “chưa nghe, chưa biết” nhưng ông Liếc viết trong đơn rằng hầu hết dân Tây Giang đều biết, đều thấy.
Họp Chi bộ, ông Bh’riu Liếc đều báo cáo việc đào hầm, nấu rượu, nuôi heo… không hề giấu giếm tổ chức. Ngược lại, Chi bộ luôn động viên gia đình ông Bh’riu Liếc nấu rượu sạch làm thương hiệu đặc sản Tây Giang.
Cuối đơn tường trình, ông Liếc tâm tư: “Việc dư luận xôn xao, trái chiều về hầm rượu bản thân và gia đình là người trong cuộc đến giờ phút này kiểm tra lại toàn bộ sự việc hoàn toàn không biết mình vi phạm ở luật nào quy định tự đào hầm trên thửa đất của mình được pháp luật công nhận là vi phạm pháp luật? Hay vi phạm đạo đức xã hội? Người làm ăn lương thiện cũng bị xã hội lên án, sao muốn sống tốt cũng khó thế?” - ông Bh’riu Liếc viết.