Lần đầu tiên gặp Trang, Tú bỗng thấy yêu đời trở lại. Thế nhưng bi kịch lại đến với chàng thanh niên 22 tuổi. Ngoài những lần đi chơi xã giao, Tú không thế nào để cô gái xinh đẹp rung động. Hết lần này đến lần khác bị chối từ, cuối cùng Tú đã ôm hận nhảy xuống sông Hồng tự vẫn.
Đôi dép rách trên bờ sông vắng
Cho đến thời điểm hiện tại, dù sự việc đau lòng đã xảy ra được hơn nửa tháng, nhưng theo quan sát của PV, nỗi tiếc thương của người dân xóm chài nghèo thôn Bắc Giáp về sinh mệnh của chàng trai trẻ xấu số vẫn còn nguyên vẹn, hằn sâu trên những gương mặt rám nắng khắc khổ. Nhiều người vẫn nhắc mãi câu chuyện buồn thảm, như một bài học cho những người trẻ tuổi bồng bột.
Theo tìm hiểu, nạn nhân trong vụ việc thương tâm là người thanh niên trẻ tuổi Lê Văn Tú (SN 1990, trú tại thôn Bắc Giáp, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Cho đến trước thời điểm trầm mình xuống sông tự tử, Tú là một công nhân gương mẫu của một công ty may mặc trên địa bàn huyện Tam Nông.
Nguyên nhân Tú tìm đến cái chết được xác định là do bị cô bạn gái cự tuyệt tình cảm và gia đình cô này không chấp nhận cho hai người qua lại. Họ tỏ thái độ ngăn cấm và tuyên bố không bao giờ chấp nhận làm đám cưới.
Căn nhà khang trang của gia đình Tú vẫn chưa hoàn thành tại thị trấn Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ
Trước đó, khoảng 12h trưa 22/9, trong lúc đang làm việc, Tú bỗng kêu mệt và xin lãnh đạo công ty cho về nhà sớm để nghỉ ngơi.
Sau đó, Tú lấy xe máy đi thẳng về nhà bà ngoại mình ở cách chỗ làm không xa. Tại đây, Tú để lại xe và toàn bộ giấy tờ tùy thân trong cốp xe rồi bỏ đi.
Khi bà Quyết (bà ngoại Tú) hỏi, Tú chỉ đáp lửng: “Cháu ra ngoài có tí việc” rồi bỏ đi đâu không ai biết.
Đến khoảng 15h chiều cùng ngày, thấy cháu ngoại đi mãi chưa về, bà Quyết nóng ruột muốn gọi điện hỏi nhưng lại nghĩ Tú đi đâu đó chơi nên thôi.
Tuy nhiên, đến chiều tối vẫn không thấy Tú về, bà Quyết cảm nhận thấy sự không lành nên đã gọi điện cho cháu nhưng không được.
Sau đó bà tiếp tục gọi điện cho bố mẹ Tú và tất cả những người họ hàng nhưng đều không ai biết Tú đi đâu. Ngay lập tức, mọi người trong gia đình đã tụ họp nhau lại để đi tìm chàng trai trẻ.
Trao đổi với PV, bà Quyết nước mắt lưng tròng nhớ lại ngày đáng buồn ấy. Bà nói: “Cháu tôi là đứa rất ngoan, hiền lành như con gái. Hễ đi đâu là cháu đều xin phép rất rõ ràng. Thế nên khi thấy đến khuya cháu vẫn chưa trở về, gia đình tôi biết ngay rằng cháu đã gặp chuyện rồi”.
Sau khi tập kết được gần 20 người họ hàng thân thích lại, gia đình nạn nhân đã chia làm 3 nhóm nhỏ để phối hợp với nhau đi tìm kiếm. Và ngay trong đêm hôm ấy, một nhóm đã phát hiện thấy đôi dép rách mà Tú vẫn hay đi hằng ngày vứt lại bên khúc vắng của sông Hồng.
“Vừa nhìn thấy đôi dép của nó, mẹ thằng Tú chỉ kịp kêu lên một tiếng “con ơi” rồi ngất lịm đi. Kết hợp với tâm trạng buồn buồn của Tú mấy ngày trước khi bỏ đi, ai cũng tin rằng cháu tôi đã dại dột nhảy xuống sông tự tử rồi”, bà Quyết bật khóc nức nở, xót thương đứa cháu ngoại đoản mệnh.
Vì đều là những người dân sống ở xóm chài nên gia đình Tú cùng hàng xóm đã huy động được nhiều tàu thuyền đi tìm khắp dọc bờ sông, kéo dài hàng chục cây số. Tuy nhiên vì khúc sông Tú nhảy xuống nước sâu và chảy xiết nên cuộc tìm kiếm ngày một trở nên vô vọng.
Đến khoảng 16h ngày 24/9, sau hai ngày tìm kiếm, gia đình đã tìm thấy xác nạn nhân đang trôi trên sông (đoạn qua địa bàn xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) trong tình trạng đang phân hủy.
Sau khi trục vớt được xác nạn nhân lên bờ, nhận thấy thi thể người xấu số không có dấu vết gì đáng ngờ, gia đình Tú đã thống nhất đưa xác nạn nhân về địa phương để tổ chức mai táng.
Đi tìm hồi kết cho tình yêu tuyệt vọng
Khúc sông nơi Tú trầm mình tự vẫn
Trong căn nhà 2 tầng rộng rãi đang xây dang dở, bà Ngô Thị Tiến, mẹ của nạn nhân đau đớn khi phải nhắc lại chuyện buồn vừa xảy đến với gia đình.
Biết bà đang đau buồn lắm, chúng tôi cũng chẳng dám hỏi nhiều, chỉ biết cố gắng vỗ về an ủi người phụ nữ đã suy sụp quá nhiều sau nỗi đau mất con.
Một hồi lâu, đưa mắt nhìn căn nhà còn dang dở, bà Tiến bật khóc nức nở, hai hàng lệ chảy thành dòng trên đôi gò má gầy gò đen đúa, khiến giọng nói của bà thành những tiếng hờ khản đặc:
“Nhà tôi còn mỗi mình nó chưa lập gia đình, nhà này cốt xây lên cũng để nó lấy vợ. Nay nó chết rồi, tôi không còn thiết xây xáo gì nữa. Xây để làm gì con ơi…”
Theo lời kể, gia đình Tú trước kia làm nghề chài lưới, di cư từ Hà Nội lên Phú Thọ được khoảng 30 năm nay. Bà Tiến sinh hạ được 4 người con trai, Tú là con út trong gia đình nên luôn được bố mẹ ưu ái hơn các người con khác.
Thế nhưng Tú không vì thế mà mải chơi, chểnh mảng hay đua đòi với chúng bạn. Từ nhỏ đến lớn, Tú rất chăm chỉ học hành. Học xong cấp 3, tự lượng sức mình không thể cố gắng tiếp trên con đường học tập, Tú không thi đại học mà ở nhà theo bố và các anh đi lái tàu chở hàng ở tận TP. Việt Trì.
Do từ nhỏ đã có thể trạng thấp bé và sức khỏe yếu, nên chỉ theo nghề độ vài tháng, Tú đã không trụ được, phải quay về nhà. Nghe lời khuyên của bạn bè và gia đình, Tú học nghề thợ may và từ đó xin làm luôn ở xưởng may gần nhà cho tiện việc đi lại.
Vốn bất lợi về ngoại hình và cũng nhút nhát trong tính cách, nên từ thủa bắt đầu biết suy nghĩ vẩn vơ, Tú đã luôn ở thế bị động trong chuyện tình cảm.
“Thằng bé cũng trải qua một vài mối tình lúc còn đi học, nhưng đều là những tình cảm học trò đơn phương, một lát lại thôi.
Trước khi yêu cháu Trang và dẫn đến chuyện buồn kia, Tú cũng đã từng có tình cảm với một cô gái khác và cũng được cô gái đáp lại. Nhưng rồi mọi chuyện lại kết thúc không như mong đợi”, bà Tiến đau xót nhớ lại những kỷ niệm về con trai.
Theo lời kể của bà Tiến, sau mối tình đầu thất bại, Tú đang rất đau khổ bỗng tình cờ gặp Nguyễn Thị Mai Trang (SN 1991, trú ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) trong một lần đi chơi cùng chúng bạn.
Lần đầu tiên gặp Trang, nhìn ánh mắt và nụ cười tươi tắn của cô gái trẻ, trái tim đang tột cùng đau khổ của Tú bỗng thấy yêu đời trở lại.
Về nhà, Tú ríu rít tâm sự với mẹ rằng cậu ta đã tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình, và nhất định cậu cũng sẽ cưới được cô gái đó bằng mọi giá.
“Hai đứa nó quen nhau được hơn một năm. Tôi cũng chỉ nghe con trai kể chứ chưa gặp cháu Trang bao giờ. Tôi có dò hỏi thì được biết hình như cháu Trang chỉ coi Tú là bạn. Trước khi xảy ra sự việc, Tú có nói với tôi là chuẩn bị sang nhà Trang hỏi vợ cho nó.
Thấy con nói vậy, nghĩ là cô bé kia đã đồng ý nên chúng tôi cũng thấy rất vui và đồng ý ngay. Thế nhưng, mấy hôm sau trông nó rất buồn vì chuyện gì đó, nhưng tôi cũng không hỏi chuyện. Tôi nghĩ là nó đi làm về mệt nên ít trò chuyện, ai ngờ nó lại dại dột như vậy”, bà Tiến nghẹn ngào nhớ lại.
Cũng theo lời người mẹ khốn khổ, theo những gì bà nghe được từ bạn bè của Tú, có vẻ như vài ngày trước khi xảy ra vụ tự tử, Tú đã nai nịt gọn gàng sang nhà Trang để tự chủ động đề cập chuyện cưới hỏi.
Chính vì vẫn chỉ coi Tú là bạn bình thường của con gái, lại thấy Tú nhắc đến chuyện cưới xin nên bố mẹ Trang và cả Trang đều tỏ ra hết sức bất ngờ và một mực từ chối lời đề nghị đường đột ấy.
Không làm thế nào để Tú có thể từ bỏ ý định, Trang đành cho Tú biết cô đã có người yêu, là một anh chàng người cùng làng. Sự thật đã khiến Tú vô cùng choáng váng, trước khi chọn giải pháp trầm mình xuống sông tự vẫn, Tú đã uống khá nhiều rượu đến mức say mềm.
Để tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện tình bi thảm, PV tìm đến địa phương nơi cô gái Tú hết mực yêu thương đang sinh sống. Xung quanh cái chết thảm của Tú, những người hàng xóm gần nhà Trang kể cho chúng tôi một sự thật đau lòng. Rằng Tú đã nhiều lần bị nhóm thanh niên làng “dằn mặt” vì tội dám tán gái làng.
“Trước ngày thằng bé chết vài hôm, Tú sang đây chơi, khi ra về bị một đám thanh niên đánh một trận rồi ném xuống ao”.
Câu chuyện của Tú giờ đây đã lan truyền ra khắp địa phương, nhiều người thương mà cũng rất giận Tú. Vì một mối tình đơn phương tuyệt vọng, chàng trai đã chọn cái kết cục bi thảm nhất mà không nghĩ đến những người còn sống.
Gia đình và người thân Tú đau khổ đã đành, nhưng còn cô bạn gái của Tú, liệu cô có còn giữ được nụ cười vui vẻ, hồn nhiên như khi chưa từng quen chàng trai yểu mệnh?
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)