Họ chính là những diễn viên... đóng thế trên các giảng đường đại học. Nhiệm vụ chính của họ là... học thuê, thi thuê cho ai có nhu cầu.
Với học thuê, quan trọng nhất đến học chỉ để điểm danh và... ngủ. Ảnh minh họa
Thâm nhập dịch vụ học thuê
Tôi tình cờ đọc được một mẩu tin rao vặt trên trang rongbay.com: “Mình đang là sinh viên, chuyên nhận học thuê tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, liên thông, tại chức nếu bạn nào có nhu cầu cần người học thuê thì liên hệ với mình nhé, mình đảm bảo ghi chép bài đầy đủ, giá cả hợp lý, có thể học lâu dài, cả nam và nữ mình đều nhận có người đi học cho các bạn, ai cần thì liên hệ qua sdt này nhé 098455...".
Liên lạc thử với số điện thoại trên để nhờ học hộ, sinh viên tên Thảo nói sẽ đồng ý học hộ một buổi học 4 tiếng giá là 80 nghìn đồng, nếu làm thêm bài kiểm tra thì sẽ thêm 50 nghìn. Nếu đồng ý thì sáng mai gặp nhau trao đổi thẻ sinh viên và nhận thù lao trước mỗi buổi học.
Sáng ngày hôm sau, trong vai trò người nhờ học hộ, tôi đến tìm Thảo ở quán nước trước cổng trường như đã hẹn. Thảo cho biết cô đang theo học năm 2 trường ĐH Kinh tế quốc dân, đã có kinh nghiệm học hộ nhiều cho nhiều người. “Không đủ tiền sinh hoạt nên em chấp nhận công việc học thuê để trang trải cuộc sống, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa lượm lặt kiến thức cho mình”, Thảo cho biết. Sau một hồi trả giá thì Thảo đã đứng dậy vì không đồng ý với giá cả tôi đưa ra và có vẻ nghi ngờ khi tôi đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công việc học hộ.
Chưa dừng lại ở đó, tôi lần mò vào một trang web học thuê rất chuyên nghiệp: www.hocthue.net. Trên trang này, có hẳn một dịch vụ học thuê rất chuyên nghiệp, slogan bắt mắt "Dịch vụ học thuê cho người bận rộn", kèm theo rất nhiều “lời mời” chi tiết. Nào là : " Học là một hoạt động mệt mỏi và phức tạp. Bởi vậy chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất và chuyên nghiệp nhất có thể. Chúng tôi sẽ lựa chọn những người phù hợp trong từng trường hợp cụ thể của quý vị. Học phí sẽ được thỏa thuận dựa trên những yêu cầu và từng trường hợp. Do vậy sẽ không có giá cho mọi trường hợp".
Tìm đến số nhà 177 Đội Cấn được coi là trụ sở chính của trung tâm học thuê thì đây lại là trụ sở của một ngân hàng, không hề có một cái bảng hiệu gì liên quan đến trung tâm. Tôi điện thoại cho số 098508... trên web thì không bắt máy, ít phút sau nhận được tin nhắn từ một số sim rác 0125341758: "Bạn muốn nhờ học hộ phải không? Bạn đang ở địa chỉ nào thì nhắn tin lại mình sẽ cử người ra làm việc với bạn”.
Khoảng 15 phút sau thì có một người đàn ông tầm 30 tuổi đến quán café tôi ngồi chờ, anh giới thiệu tên Lương quản lý trung tâm hocthue.net, anh cho biết trụ sở mới chuyển nên phải liên lạc qua điện thoại và gặp trực tiếp. Biết tôi đang cần nhờ người học hộ lớp văn bằng 2 ở ĐH Ngoại thương vào các buổi tối trong tuần, mỗi buổi 3 tiếng. Sau một hồi tính toán, anh ta cho giá 60 nghìn một buổi, trả tiền từng tuần một, đặt cọc thêm 50 nghìn giữ chỗ. Anh ta đòi xem thẻ sinh viên và hứa sẽ tìm cho tôi một sinh viên giỏi xứng tầm để học hộ giúp tôi. Tìm cách thoái thác, tôi bảo sẽ suy nghĩ thêm, trong ngày hôm nay sẽ gọi lại cho anh rồi đưa tiền đặt cọc.
Bằng cấp không thể lấp đầy lỗ hổng kiến thức
Trong quá trình xâm nhập thực tế, cũng như có mặt tại một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Hà Nội thì việc mỗi lớp học "chứa" hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh viên, học viên (nhất là đối với hệ tại chức, hệ vừa học vừa làm) thì việc điểm danh rất khó khăn nên đã tiếp tay cho hiện tượng học thuê, học hộ lợi dụng để " trú ẩn và phát triển” ngày càng tăng.
Biện minh cho việc "lười học" của mình, chị Minh 25 tuổi, nhân viên truyền thông FPT, học viên ĐH Ngoại thương - một khách hàng thuê học hộ nêu lí do: “Công việc cơ quan ngập đầu, không có thời gian đi học, chăm sóc con cái, đi chơi với chồng con nên không thể đến lớp”. Như vậy có thể thấy rằng, việc lười học, thuê người học hộ, "đóng thế" đi điểm danh, kiểm tra thay đang là một thực tế đáng báo động cần phải ngăn chặn. Bởi nếu như việc để một tấm bằng tốt nghiệp đi kèm với lỗ hổng kiến thức tới tay các sinh viên, học viên thì hậu quả đi kèm với nó thật khôn lường.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các cơ sở đào tạo đại học, yêu cầu tăng cường quản lý học viên hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy chế học viên các trường ĐH, CĐ, TCCN ; tổ chức các lớp học phù hợp và tăng cường quản lý việc đến lớp của học viên; tổ chức quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ học viên khi đến lớp và trong công tác thi, kiểm tra; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế. Tuy nhiên, vấn nạn học thuê ngày càng được công khai và trú ẩn ở khắp nơi trong các lớp học đại học.
Quả là đáng lo ngại trước nạn học giả, dùng tiền để mua kiến thức. Việc học là cho bản thân mỗi người lại được đem ra mua bán, kinh doanh bất chính của một nhóm người.
Theo Bảo Nam
NDT