Bi hài chuyện quà Noel của trẻ

camnhung |

"Năm nay cháu đã ngoan hết cỡ rồi ông ạ... Nếu ông còn thừa tiền, ông mua thêm cho cháu một cái máy tính bảng galaxy tab 10.1 ông nhé..."

Mở "Thư gửi ông già Noel" của con do cô giáo đưa, chị Nhung vừa lo vừa buồn cười: "Ông ơi, ông tặng cháu bộ Lego Harry Potter nhé (ông nhớ mua ở cửa hàng Lego House, đừng mua ở chợ, dởm lắm)".

Cậu con trai đầu lòng của chị Nhung đang học lớp 3 tại một trường tiểu học tư ở Mỹ Đình, Hà Nội. Gần đến giáng sinh, cô giáo hướng dẫn các em tự viết thư nói lên mong ước rồi cô kín đáo đưa cho bố mẹ để phụ huynh mua quà cho con.

"Mình biết thừa cu cậu ham xếp hình, nhưng vẫn choáng vì bộ đồ chơi con thích có giá chả rẻ tí nào, nhất lại không được là 'hàng chợ'. Dẫu sao thì trưa nay cũng phải tranh thủ ghé qua cửa hàng sắm quà cho con", chị Nhung cười nói.

Sáng nay đưa con tới lớp, gặp các phụ huynh khác, chị Nhung mới biết, không ít người còn đau đầu hơn chị khi biết món quà con muốn được nhận, như: "Ông chọn một trong những thứ này nhé: Ipad, PSP, đĩa phim Puss in boot bản HD hoặc đĩa phim Giáng sinh phiêu lưu kí bản HD..."; hay "Ba tanh loại 2 hàng bánh vì một hàng cháu không biết đi", rồi "khẩu súng bắn ra đạn đồ chơi", "một bộ nấu ăn (thật nhé)"...

Có bé còn nhắn nhủ: "Cháu không cần quà, cháu chúc ông Noel không phải tặng quà vì cháu lo ông sẽ nghèo"...

Mẹ và bé dạo phố đêm chuẩn bị đón giáng sinh. Ảnh: Khánh Huyền.

Theo truyền thống ở nhiều nước phương Tây, giáng sinh là dịp trẻ nhỏ được nhận quà từ ông già Noel. Vài năm trở lại đây, nét văn hóa đẹp này cũng du nhập vào Việt Nam. Vào những dịp này, nếu có con nhỏ, các bậc phụ huynh thường tự nghĩ ra những món đồ ngộ nghĩnh đáng yêu tặng bé. Với những bé lớn hơn, bố mẹ thường gợi ý để con nói, viết những điều ước của mình, rồi kín đáo mua, tặng hay nhờ dịch vụ chuyển quà tới con.

Tại nhiều trường mầm non, tiểu học, các cô giáo cũng khuyến khích, giúp trẻ viết ra mong muốn của mình, rồi kết hợp với phụ huynh, tạo ra những món quà bất ngờ cho các bé. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà không ít mẹ lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Có con gái 5 tuổi đang học tại một trường mầm non chất lượng cao tại Từ Liêm, Hà Nội, sáng qua, chị Huệ (Cầu Diễn, Hà Nội) đi làm muộn vì cô bé khóc ròng từ lúc ngủ dậy, khi không thấy lá thư của mình gửi ông già Noel đâu. "Thư này là con đọc rồi cô giáo viết hộ. Cô bảo con mang về rồi gửi bố mẹ thì mới được ông tặng quà. Chẳng hiểu thư để đâu mà về bố mẹ tìm chẳng thấy, thế là con bé khóc lặng đi, than mất thư là ông già Noel không đọc được, không có quà", chị Huệ kể.

Mẹ dỗ dành thế nào, cô bé cũng không nghe. Mãi tới khi mẹ bảo sẽ giúp bé viết lại thư và "chuyển phát nhanh" ngay cho ông Noel thì con mới chịu nín. "Hôm qua mình đã phải tranh thủ trốn giờ làm đi mua cho con cái chụp tai hồng - món mà con ao ước - rồi đợi đến đêm con ngủ mới lọ mọ dậy gói quà để sáng nay mang tới trường nhờ các chú Noel gửi cho bé", chị Huệ kể thêm.

Vì muốn giữ cho con một thế giới tuổi thơ kỳ diệu như trong cổ tích, hầu hết các bố mẹ đều cố gắng biến mong mỏi của con thành sự thật. Thế nhưng, có nhiều điều ước của các bé làm khó bố mẹ, vì vượt quá khả năng kinh tế hoặc là những thứ mà phụ huynh không thể đáp ứng.

Chia sẻ trên webtretho, một bà mẹ có con gái học lớp 3 kể, chị "choáng" khi đọc thư của con gửi cho ông già Noel: "Năm nay cháu đã ngoan hết cỡ rồi ông ạ... Nếu ông còn thừa tiền, ông mua thêm cho cháu một cái máy tính bảng galaxy tab 10.1 ông nhé. Thank you Santa".

"Khổ thân, mẹ cháu làm gì có tiền mà sắm cho con món này. Con gái em chắc xem nhiều VietNam Next Top Model, thấy đọc giải thưởng cho các cô người mẫu, nên bị nhiễm", chị thổ lộ trên diễn đàn.

Muốn dành tặng cô con gái 4 tuổi một niềm vui bất ngờ, năm nay, anh Hưng đã sắm sẵn một bộ đồ đỏ, dự định sẽ hóa trang thành ông già Noel, tặng quà cho con. Thế nhưng, điều ước của cô con gái khiến vợ chồng anh toát mồ hôi: "Con muốn có một ông già tuyết thật to. Nhưng khi tặng quà cho con, ông không được đi vào bằng cửa chính, mà phải leo qua cửa sổ. Con sẽ đứng ở cửa sổ đợi ông".

"Nhà mình ở chung cư, tầng 11, biết làm thế nào? Mà giải thích với con sao đây, nếu không thể leo lên từ cửa sổ?", anh Hưng gãi đầu.

Nhiều trường hợp, phụ huynh còn bị "hớ" khi lỡ bị các bé phát giác là "ông Noel giả".

Chị Tuyết (Tây Hồ, Hà Nội) kể, mấy năm trước, vào dịp giáng sinh, ban phụ huynh lớp con gái chị học thống nhất cử một bố - có dáng bệ vệ - hóa trang làm ông già Noel mang quà đến trường tặng các bé. Năm đầu tiên thực hiện - các bé học lớp 1 - cả lớp đã há hốc mồm ngạc nhiên rồi vui sướng, reo hò ầm ĩ khi "ông" tới phát quà. Năm thứ hai, một số em trong lớp đã nhìn ông "nghi nghi" rồi tới sờ nắn, tra hỏi "ông" rất kỹ. Sang năm thứ 3, khi "ông" vừa xuất hiện ở cửa lớp thì các bạn kêu to: "A, bác Minh, bố Bảo Nam đây mà!".

"Năm nay, rút kinh nghiệm, ông già Noel không dám đến nữa, các bố mẹ chỉ chuẩn bị quà để đầu giường cho con thôi", chị Tuyết kể.

Vợ chồng chị Chung (Gia Lâm, Hà Nội) cũng bị một trận hố to khi nhờ dịch vụ ông già Noel chuyển quà cho con hồi năm ngoái. "Cậu thanh niên đóng giả Santa cứ gọi bọn mình là anh chị, rồi đội nguyên mũ bảo hiểm vào đưa quà cho con trai mình. Thằng bé vốn láu cá bảo ngay: 'Chú Noel ơi, chú cũng sợ bị công an phạt à"", chị Chung kể. Năm nay, đọc "điều ước" của con, chị không nín cười nổi khi cháu viết: "Gửi ông già Noel (tức bố), con muốn có một chiếc cặp Pen 10 ạ!".

Theo Vương Linh

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại