Vừa bán vừa đối phó
Thường xuyên uống trà chanh ở ngã Tư sở, anh Thái An nhân viên của một công ty bảo hiểm cho biết nhiều hôm uống nước anh không phải trả tiền. Giải thích cho việc uống trà chanh “miễn phí” anh nói: “mình chẳng muốn thế đâu nhưng thấy công an phường đi kiểm tra, chủ quán nháo nhào ôm đồ chạy mất tăm, mình muốn trả tiền cũng không kịp thế nên bây giờ rút kinh nghiệm người ta toàn thu tiền trước”.
Nhanh chóng thu dọn đồ khi lực lượng trật tự kiểm tra
Nhiều năm bán hàng trên cầu Yên Hòa, chị H cho hay: “tiền mình đóng hàng tháng rồi, nhưng thỉnh thoảng công an đi kiểm tra, mình không nhanh là bị thu đồ nghề ngay”.
Đang bán hàng thì có điện thoại của chồng báo tin công an đang kiểm tra ở Chùa Láng rồi, thế là chị gọi điện thoại cho người con trai vừa về lấy đường “con ơi quay lại nhanh, công an đến rồi” và thông báo cho các hàng quán xung quanh.
“Nếu công an đến em kẹp ghế lên xe máy cho chị với nhé”- chủ quán nói với một khách quen rồi nháo nhào dọn đồ.
“Mình giúp người ta tí, chứ bị thu đồ thì khổ lắm”, vị khách này phân trần.
Chỉ trong ít phút, mọi người trên cầu như chạy loạn. Chị bán bánh khoai cũng oằn mình gánh hàng qua bên kia cầu để “né”.
Trên cầu, những chiếc xe máy được dựng sẵn, khi có “báo động” chủ quán liền cho hàng lên xe chạy lánh nạn.
Ôm đồ nghề chạy công an
“Thông thường mỗi quán nước đều phải có 2 người bán hàng, nếu không với cái kiểu bất thình lình đi “quét” thì tiền bán hàng không đủ sắm đồ nghề”- một người bán hàng cho hay.
“Có hôm uống nước trên cầu Yên Hòa mà cả chủ, cả khách phải xách ghế chạy 3 lần đâý”- Bình- sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cho biết.
Tuy nhiên chỉ ít phút sau, thấy lực lượng công an đi họ lại bán hàng như cũ.
Cũng giống như khu vực Cầu giấy, ngã Tư Sở, con đường Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được biết đến như một con đường ăn uống của sinh viên nào bánh cuốn, bún đậu, phở, bánh mỳ, cháo…
Hàng quán bày bán hết cả hai bên đường từ trưa cho đến 11h đêm. Tấp nập nhất là tầm 5h và 9h tối, người ăn uống, đi đường tràn xuống cả lòng đường. Mặc dù liên tục kiểm tra xử lý nhưng tình trạng vẫn tái diễn.
Vừa đứng vừa ăn
“Em ơi lát quay lại nhé, đợi công an phường đi qua đã rồi mới bán được”, là câu dặn dò khách của những chủ quán vỉa hè khi công an quét qua.
Nắm được lịch trình của công an phường nên anh chị chủ quán cháo lòng ở Tạ Quang Bửu gần đại học Bách Khoa cho biết, anh chị bán từ 3 rưỡi chiều đến 6h rồi từ 8 rưỡi đến 11h. Em cứ xem lịch rồi ra ăn chứ cái giờ công an phường đi kiểm tra mình mà bán cái là bị thu đồ nghề ngay, lại còn bị phạt nữa chứ, anh chị nhiều lần bị thu nồi cháo rồi đấy. Chủ quán cười hóm hỉnh.
Hay đang bê bát ăn nhưng thấy bóng dáng xe công an phường là lập tức chủ quán thu hết ghế, khách cứ mỗi người ôm cái bát.
Có hôm quán cháo trai, sườn chưa kịp thu về hết nhưng qua mắt được công an phường, chị liền cười sung sướng “đúng là mỗi lần công an đến là một lần thót tim”.
Cuối giờ chiều, gần đến giờ công an đi kiểm tra mà cháo bán chưa hết nên hai vợ chồng chị bán cháo trai cố gắng nán lại. Đông khách là thế nhưng lúc nào họ cũng trong tình trạng cảnh giác, mắt đảo liên tục bởi nếu không nhanh thì trở tay không kịp.
Thấy bóng dáng công an phường thì dù đang ngồi ăn cũng bị chủ hàng lập tức thu ghế. Sinh viên ai cũng quen với cảnh đấy nên họ cũng thông cảm cho chủ quán, chẳng ai phàn nàn gì. Nhiều bạn còn tỏ ra vui vẻ “đi ăn vỉa hè là thế mà”.
Thuyên, sv năm nhất ĐH Bách Khoa cho biết bọn em ăn cơm mãi cũng chán thỉnh thoảng lại ra ăn bát cháo, bún đậu hay cái bánh mỳ những cảnh đối phó với công an phường của mấy hàng quán ở đây là chuyện thường ngày rồi.
6h tối, nhiều chủ quán chưa bán hết hàng nhưng vẫn dọn dẹp đồ, khách có hỏi cũng đành chối không bán nữa vì “giờ này công an họ đi kiểm tra”.
“Có hôm đang bán hàng, bất thình lình xe của công an phường đến, nào chiếu, ghế…bị thu hết. Có người còn giấu đồ kỹ lắm trong bụi cây nhưng vẫn bị phát hiện. Cả nhà trông chờ vào cái nghề này, giờ nghỉ thì lấy gì mà ăn. Hôm nào không may bị thu thì đành chấp nhận. chứ bỏ nghề thì không bỏ được” chị Ngân, một người bán trà đá tại công viên Đền Lừ chia sẻ.