Bị gây gổ, tốt nhất cứ để chúng giết vợ mình?

Một câu hỏi mà nhiều người không khỏi băn khoăn vì nó.

Một ngày cuối năm 2012, Nguyễn Thanh Tuấn (23 tuổi, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chở vợ và cậu con trai hơn 2 tuổi đi dạo phố và mua điện thoại. Về gần tới nhà trọ, họ gặp hai thanh niên đi trên cùng một chiếc xe máy đang lạng lách, kè theo một vài cô gái khác đi cùng chiều.

Hai thanh niên gồm Phan Anh Toàn và Nguyễn Hữu Hà không chịu nhường đường, mà đi xe theo kiểu “cà dựt cà tang” vừa đi vừa thắng gấp, lâu lâu lại nẹt pô, lạng lách, chèn ép không cho Tuấn vượt lên. Sau quãng đường khá dài, Tuấn cũng vượt lên đi trước.

Thấy xấu hổ vì bị Tuấn vượt, hai thanh niên rượt đuổi đến đầu hẻm nhà Tuấn, rồi lao vào ẩu đả nhưng Tuấn đánh không lại nên bỏ chạy. Vừa chạy được mấy bước, Tuấn ngoảnh lại và thấy Toàn và Hà đang đánh, đấm túi bụi vợ mình là Nguyễn Thị Thanh Tuyền.


	Bị cáo Tuấn bị còng và xét xử cùng với kẻ gây gổ với mình là Toàn

Bị cáo Tuấn bị còng và xét xử cùng với kẻ gây gổ với mình là Toàn

Tuấn chạy vào một nhà trọ gần đó lấy 2 con dao rồi chạy ra giải cứu cho vợ. Hậu quả là Hà bị đâm chết, Tuấn đưa Tuyền đi khám thì được biết vợ bị sẩy thai.

Vừa qua khi ra tòa, Hội đồng xét xử nhận định: “Khi bị cáo đã bỏ chạy rồi thì có thể xử lý theo cách khác, đằng này bị cáo lại chủ động tìm dao và quay lại để đâm chết người ta. Bị cáo từng có một tiền án chưa được xóa án tích, mà còn gây trọng tội…”.

Kết quả Tuấn phải chịu bản án sau khi kháng cáo là 14 năm tù giam và phải đền bù gần 200 triệu đồng.

Hàng loạt thành viên trên các diễn đàn mạng đều tỏ thái độ bức xúc trước bản án dành cho Tuấn. Nick Tieuthanh_ha: “Ai trong trường hợp đó mà không xử sự như Tuấn, không lẽ bỏ vợ lại rồi chạy là đúng đạo lý hay sao? Tụi nó đánh chị Hà đến sảy thai sao không tính là giết người?”


	Cộng đồng mạng cảm thấy bản án không được hợp lý

Nhiều người cảm thấy bản án không được hợp lý

Nick Thanh Hà: “Tòa bảo Khi bị cáo đã bỏ chạy rồi thì có thể xử lý theo cách khác”. Tôi không hiểu xử lý theo cách khác là cách thế nào? Nếu đặt HĐXX trong chính trường hợp đó thì họ phải xử làm sao trong khi vợ mình đang bị đánh?

Còn tiền đền bù 200 triệu thì lương công nhân như gia đình Tuấn thì làm sao kiếm nổi để trả, nhất là Tuấn đã ở tù thì vợ anh phải cày trả nợ? Bản án như vậy chẳng khác nào đẩy một gia đình vào con đường cùng?”.

Trước đó, một vụ xét xử khác cũng đã diễn ra với cậu học sinh vì tự vệ và bảo vệ bạn gái mà lỡ tay giết người. Dù sau đó nam sinh giết người được thả, dân ủng hộ song nỗi băn khoăn vẫn còn nguyên đó. Chẳng lẽ cứ ngồi yên cho chúng đánh mình và bạn gái?

Ông già 64 tuổi bị ba thanh niên hội đồng

Vụ việc khác cũng gây tranh cãi không kém là trường hợp của ông Cao Văn Năm (64 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa). Trưa ngày 30/06, Diệp Văn Ngạt (28 tuổi) nhậu cùng hai người bạn cùng quê Cà Mau là Võ Văn Lil (20 tuổi) và Võ Văn Sa (18 tuổi) tại quán thuộc khu phố 5, phường Tân Hòa. Một lúc sau, Sa lại gần phòng trọ của ông Năm tiểu tiện.

Phát hiện sự việc, ông Năm bất bình lớn giọng chửi "ma men" và xảy ra xô xát. Sa về quán gọi 2 bạn nhậu mang theo gậy tìm đến phòng trọ của ông Năm. Bất ngờ bị 3 thanh niên tấn công, ông Năm được cho là đã vơ lấy con dao chống trả. Sau trận "giáp lá cà", Ngạt và Lil bị ông đâm trúng vào ngực, chết tại chỗ. Sa bị thương nặng.


	Ông Cao Văn Năm cũng bị thương khá nặng khi bị nhóm "đái bậy" quay lại truy sát

Ông Cao Văn Năm cũng bị thương khá nặng khi bị nhóm "đái bậy" quay lại truy sát

Đa số cộng đồng mạng đều cảm thấy không hợp lý nếu phải chịu án trong trường hợp buộc phải tự vệ.

Anh Dương Hùng cho rằng: “Gặp tình huống nào cũng phải phòng vệ thôi, bị tội thì chịu chứ nếu nương nhẹ với kẻ có ý định giết mình thì hối không kịp.

Đáng lẽ pháp luật nên xử trắng án với trường hợp này, đông người mà đánh một người thì vốn đã không công bằng rồi”.


	Nhiều người tỏ ra bất bình khi tự vệ vẫn phải chịu án

Nhiều người tỏ ra bất bình khi tự vệ vẫn phải chịu án

Chị Trúc Vinh nhận xét: “Mấy người kéo bè kéo, đảng đi đánh người khác là không đàng hoàng rồi, chưa kể đến việc có hung khí hay không. Nếu trong lúc đánh nhau còn suy nghĩ đánh sao cho đối phương chỉ bị thương thì tiêu chắc rồi”.

Tự vệ chính đáng bị “tội” gì?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng:

Thứ nhất, trường hợp phòng vệ là chính đáng: Theo pháp luật hình sự hiện hành thì hành vi giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định rõ: “phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Hành vi được xem là phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Thứ hai, trường hợp phòng vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Điều 15 Bộ luật hình sự quy định rõ “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong đó, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Về vấn đề này, hiện nay Bộ luật hình sư nước ta tại Điều 96 có quy định người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.


	Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM

Bên cạnh đó, Điều 106 Bộ luật hình sự cũng quy định rõ người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Trong trường hợp ông Năm, do mới chỉ là thông tin ban đầu nên chưa có đủ cơ sở xác định việc thực hiện hành vi giết người và làm bị thương người khác của ông Năm có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự hay không?

Trường hợp qua điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ xác định được việc ông Năm thực hiện các hành vi trên là tương xứng với hành vi xâm hại của ba nạn nhân, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của ông thì hành vi của ông Năm sẽ được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại