Bí ẩn những cuộc trở về kỳ diệu năm 2011

annbui |

Năm 2011 là năm để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhất trong lòng mọi người dân Việt Nam vì sự chứng kiến những cuộc trở về như kỳ tích.

Những người đầu tiên tự giải thoát khỏi cướp biển Somalia

Năm 2011, có một sự trở về ấn tượng và đặc biệt là lần đầu tiên những thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc đã tự giải thoát mình.

Tối 3-11-2011, thuyền trưởng hạ lệnh cắm neo ở vùng biển Đông Phi và thả câu thì bất ngờ hải tặc xuất hiện, bắn súng liên hồi khiến cửa kính của con tàu vỡ tung tóe. Theo lời kể của thuyền viên Nguyễn Văn Tiến - 1 trong 5 thuyền viên người Việt trên tàu cá của chủ Đài Loan, lúc đó khoảng 9 giờ đêm, do đứng dưới khoang máy nên anh không nghe thấy tiếng súng cho đến khi thuyền trưởng ra lệnh cắt câu, nhổ neo để chạy thì không kịp. Khoảng mười phút sau, một nhóm người được sự yểm trợ của các tay súng da đen xông lên tàu, khống chế thuyền trưởng và các thuyền viên.

Những thuyền viên Việt Nam sau khi tự giải cứu mình chụp ảnh cùng đội cứu hộ

"Lúc đầu, mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi đánh cá trong lãnh hải của một nước nào đó nên bị cơ quan chức năng của họ bắt giữ. Đến khi thấy sáu người da đen cùng bốn khẩu súng đưa chúng tôi lên boong tàu, bắt để tay sau gáy và lục soát đồ đạc, tài sản rồi yêu cầu cắt hệ thống thông tin, định vị trên tàu thì anh em mới biết là rơi vào tay cướp biển Somalia”, thủy thủ Nguyễn Văn Tiến cho biết.

“Sau gần ba ngày bị biệt giam trong phòng lại thấy những tên cướp biển da đen bồng súng cứ lượn lờ, sẵn sàng nhả đạn, cả năm anh em người Việt đều nói thầm với nhau là kiểu gì cũng sẽ bị chết. Lúc đó tôi nhớ đứa con nhỏ kinh khủng, một ý nghĩ táo bạo hiện lên là phải đánh lại cướp biển để trở về. Ý nghĩ của tôi chắc cũng giống với ý của các anh em khác nên khi thuyền trưởng nói một cách bí mật bằng tiếng Trung Quốc, mọi người đều sẵn sàng hưởng ứng”, anh Tiến nhớ lại.

Những ý nghĩ tự giải thoát của các thủy thủ nhiều lúc đã bị chờn lại khi thấy nhóm hải tặc sáu tên có đến bốn khẩu súng, tám băng đạn, tám quả lựu đạn cứ lăm le, chỉ cần ai chống cự là sẵn sàng nhả đạn trong khi đó ở dưới khoang tàu chỉ có sáu con dao để đánh cá. “Lúc mọi người yếu thế, sợ sệt nhất thì cả năm anh em người Việt nắm chặt tay nhau quyết tâm chết thì cùng chết, sống cùng sống. Một lúc sau, tất cả các thủy thủ đều đồng lòng quyết tâm”.

Sự quyết tâm của các thuyền viên đã nhận được quả ngọt đó là an toàn về với gia đình.

Ngày 30-11, sau khi cập cảng Singapore, năm thuyền viên người Việt được ông chủ mua vé máy bay cùng một ít đồ đạc cho về nhà thanh lý hợp đồng.

Truyền thông Đài Loan đã ca ngợi sự dũng cảm của các thủy thủ Việt Nam đã cứu một tàu đánh cá khỏi tay những tên cướp biển có vũ trang. Theo người phát ngôn cơ quan đặc trách ngư nghiệp Đài Loan, đây là lần đầu tiên thủy thủ đoàn của một tàu bị cướp biển Somalia tấn công đã tự giải thoát thành công.

Cháu bé 2 ngày tuổi bị bắt cóc về với vòng tay mẹ an toàn

Có lẽ chưa có một sự kiện nào thu hút được sự chú ý của dư luận như việc cháu Phạm Xuân Hà (tên chứng sinh là Phạm Xuân Trường) bị bắt cóc và trở về với vòng tay mẹ an toàn ngày 8-11-2011.

Bị bắt cóc khi vừa được 2 ngày tuổi, ngay trên tay mẹ và ở ngay bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau 5 ngày 5 đêm lưu lạc cháu bé đã được trao về tay mẹ và hoàn toàn khỏe mạnh. Để cứu được cháu bé, đã có 70 cán bộ chiến sỹ tham gia, cùng sự góp sức của đông đảo nhân dân.

Cháu bé Phạm Xuân Hà được đưa về khi tròn 1 tuần tuổi

Lực lượng chức năng đã phải rà soát sàng lọc hàng trăm nguồn tin để tìm ra tung tích bé Trường. Ở thời điểm đó, ông Đào Thanh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, đối tượng bị bắt cóc là cháu bé sơ sinh mới hai ngày tuổi nên nguyên tắc đầu tiên là phải cứu và bảo vệ an toàn cho cháu bé.

Sự miệt mài của lực lượng chức năng, sự trông ngóng của gia đình và dư luận cả nước vào thời điểm đó đã được đền đáp xứng đáng khi cháu Trường an toàn về trong vòng tay mẹ.

Ngay sau khi bé Trường được tìm thấy, anh Phạm Xuân Triều - bố đẻ của cháu Trường đã đặt cho cháu bé tên là Phạm Xuân Hà. Mặc dù sự việc xảy ra từ tháng 8-2011 nhưng đến nay câu chuyện cháu Hà được tìm thấy vẫn được gia đình cháu nhắc đi nhắc lại khi có khách đến chơi, khi có ai hỏi thăm và khi bế cháu vào lòng...

Cuộc giải cứu ngoạn mục 10.000 lao động Việt Nam từ Libya

Trước những diễn biến phức tạp về chính trị, xã hội ở Libya, từ 23-2 đến ngày 4-4, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn chủ yếu bằng đường hàng không.

Bộ Trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động khỏi Libya là chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay và rất đáng mừng, không có trường hợp công dân của nước ta bị thương vong do sự bất ổn chính trị và xã hội ở Libya.

Đây là chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay

Với quan niệm con người là trên hết, những người lao động trên mọi miền đã được người dân trong nước quan tâm. Đại diện cho sự quan tâm ấy là Đảng và Nhà nước ta. Chương trình giải thoát cho lao động Việt Nam tại Libya đã nhanh chóng được triển khai. Ngoài việc hiến kế mang tính chất chiến lược thì phương thức được lựa chọn hợp lý và nhanh chóng cho sự giải thoát ấy là phải thiết lập được 1 cầu không vận, và không ai ngoài Vietnam Airlines phải đảm đương trách nhiệm này.

Cầu hàng không lớn nhất được thiết lập giữa Việt Nam và Tuy-ni-di là cầu hàng không có nhiều cái lạ. Mà cái lạ lớn nhất ở đây đó là những chuyến bay có thể duy nhất trong lịch sử hàng không nước ta khi đội tiếp viên vốn mang tà áo dài với mầu đỏ huyết dụ truyền thống lại được thay thế bằng toàn... nam tiếp viên. Các lãnh đạo ở Vietnam Airlines cho biết, sở dĩ các chuyến bay có “đặc thù” vậy là do xác định: Đến Libya, ngoài chặng bay xa rất nhiều lần thì tiếp viên còn được xác định như những chiến sỹ. Ngoài nhiệm vụ đưa đón, ổn định tinh thần thì họ còn có thể “tham chiến” nếu như gặp sự cố.

Lao động chúng ta ở Libya đã về nước. Cầu hàng không lớn nhất được thiết lập để giải thoát lao động hy vọng sẽ trở thành cầu hàng không để chở khách trong thời gian tiếp theo. Trong tổng cộng 8 chuyến bay chủ yếu là “cây nhà, lá vườn”, ngoài việc giải thoát thành công trên 10.000 lao động thì Vietnam Airlines còn chuyên chở thành công 13,5 tấn hàng cứu trợ. Ngoài cung cấp cho lao động nước ta thì còn góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho rất nhiều lao động các nước khác đang kẹt tại Libya.

Theo 24h

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại