Ở miền xuôi, đặc biệt là đồng bằng Bắc Bộ, quan niệm về việc trùng tang rất nặng nề. Thoạt đầu, chúng tôi, những người không tin lắm vào các chuyện huyễn hoặc, tâm linh, cũng chỉ nghĩ rằng nỗi ám ảnh ở Tạ Xá là một cái gì đó liên quan đến trùng tang, nhưng có đến tận nơi, nhìn tận mắt sự âu sầu của bà con vùng đồi cọ này mới thấy những cái chết tưởng như vô tình, hóa ra lại quấn lấy nhau như có một sợi xích ràng buộc vô hình.
Xã Tạ Xá, đấy là cách gọi theo đơn vị hành chính. Còn người Tạ Xá quen gọi mảnh đất mưu sinh đầy nhọc nhằn của họ là làng.
Ông Nguyễn Xuân Tâm pha một ấm chè thật đặc đón chúng tôi, đúng theo kiểu “khách quý”. Nhà ông mái bằng, thuộc loại khang trang. Có lẽ vì ông chịu khó làm thêm nghề phụ - nuôi ong lấy mật - bên cạnh nghề thuần làm ruộng. Ông Tâm cũng từng giữ cương vị Chủ tịch xã suốt 15 năm, nên ông như một pho sử sống về những cái gọi là “hang cùng ngõ hẻm” của làng.
Vẻ ngập ngừng, ông Tâm không bắt đầu ngay vào chuyện, mà rút cái điếu cày chạm trổ rất tinh vi, rít một hơi dài. Có lẽ là ông hơi ngại. Bỗng nhiên có nhà báo tận… Hà Nội về, hỏi han chuyện chết chóc ở làng, trách gì ông chẳng ngần ngừ.
Ông chậm rãi như đếm từng lời: “Đúng là có chuyện ấy thật. Nhưng ở đây, chúng tôi cũng chưa khẳng định là chết đôi hay chết ba gì cả. Chỉ biết là nếu hôm nay ông A chết, thì nay mai, nội trong 3, 4 ngày, kiểu gì cũng có thêm ông B hay bà C chết. Cứ như là các vị rủ nhau đi ấy. Thế mới lạ kỳ”!
Câu kết luận của ông cựu Chủ tịch xã khiến những người xung quanh chợt thấy… lạnh gáy. Không ai bảo ai, mấy người già trong làng cùng đưa mắt nhìn nhau.
“Tôi thì tôi nhớ là ông cụ đẻ ra tôi hồi trước đã nhắc chuyện “chết chùm” như thế này nhiều. Ông cụ còn bảo tôi là anh cứ nghiệm thử xem, kiểu gì cũng đúng. Mà đúng thật. Từ mấy chục năm trước, khi chúng tôi còn nhỏ, làng đã phải cái dớp ấy rồi. Đến nay vẫn thế!” – một vị trung niên thừa nhận ông đã âm thầm theo dõi cái quy luật đáng sợ này.
Một cụ khác chen ngang: “Ngày xưa thì xa lắm, tôi không nhớ. Nhưng chỉ nói chuyện năm nay thôi cũng đủ sợ. Đầu tiên là ông Mỡ chết. Ông Mỡ chết thì kéo theo thằng Tuyến. Bà Mỡ vừa chết xong lại đến lượt thằng Đô”.
“Không phải, ông nhầm rồi, trước thằng Đô là một thằng cháu mới được có vài ngày tuổi. Không ma chay đình đám gì nên các ông không biết. Còn hôm bà Mỡ đi là bà ấy “kéo theo” cái ông nhà ở trên dốc ấy”. Rồi như để dẫn chứng thêm, cụ ông tóc bạc gõ gõ cái đầu lọc thuốc xuống bàn: “Chẳng phải ai xa, chính bố đẻ tôi đây này, chết được 2 hôm, chưa kịp sang ngày thứ 3 thì bên nhà ông Đại tự nhiên có con chim lợn kêu oang oác. Ngay nửa đêm hôm ấy bố ông Đại chết còn gì”…
“Phường bát âm” bận rộn
Những con số biết nói trong cuốn sổ tử tại trạm xá xã Tạ Xá.
Màn chè thuốc tại nhà ông Tâm tuy chỉ là những chuyện chắp nối với nhau qua trí nhớ của các cụ già nhưng nó cũng đủ khiến chúng tôi hình dung về nỗi ám ảnh triền miên của ngôi làng.
Rời nhà ông Tâm, chúng tôi được đưa đến gặp một nhân vật quan trọng bậc nhất đối với việc hiếu của cả làng. Ông Hùng là tay kèn chủ lực của đội bát âm, vì tuổi cao, nên ông đã nghỉ việc, nhưng trí óc ông vẫn còn thông tuệ lắm. Ngồi trong gian nhà lợp lá cọ, ông Hùng hồi tưởng lại: “Có một dạo làng chết nhiều quá, chết liên tục, cứ đám nọ dồn toa đám kia, vừa mới nhận lời thổi ở nhà này, con nhà người khác đã khóc như ri mời tôi quá bộ sang giúp cho bố cháu. Lại có lúc nhà đầu xóm còn chưa hạ huyệt, nhà cuối xóm đã nổi trống báo tang. Chúng tôi cứ gọi là vắt chân lên cổ cũng không kịp”…
Em ruột ông Hùng ngồi kế bên cũng phụ thêm: “Tạ Xá mình có cái lệ đến là sợ. Kiểu gì có một người chết là sau vài ngày lại có thêm đám nữa”. Đột ngột, ông Hùng đứng dậy: “Các anh không tin thì ra nghĩa địa mà xem, ngay kế bên kia đường thôi”.
Chúng tôi đi trên con đường cong queo, vòng vèo, vằn vện toàn những con lươn con chạch bằng bùn đất để ra khu mộ. Ở một góc, 2 ngôi mộ mới đắp nằm rất gần nhau. 2 cây thánh giá vẫn còn cắm thẳng tắp, chưa hề xiêu vẹo. Một ngôi vẫn nguyên vòng hoa. Ông Hùng giải thích, với người công giáo, mộ còn nguyên thánh giá thế kia là mộ mới chôn. Hai người xấu số kia mới về với đất chưa đầy nửa tháng, mà cũng chỉ cách nhau đúng 3 ngày.
Liệu có liên quan gì đến việc trùng tang không ông nhỉ? Chúng tôi mang thắc mắc ấy hỏi ông Hùng thì nhận được cái lắc đầu: “Trùng tang nó khác. Nó là người chết trong một nhà, hoặc cùng lắm là trong một họ. Cái này hồi trẻ tôi đi làm thuê ở dưới Bắc Ninh, Nam Hà tôi biết. Nhưng ở trên tôi, những người chết liền nhau lại chẳng mấy khi là máu mủ ruột rà. Toàn người dưng cả, thế mà cứ gọi nhau đi, lạ thế cơ chứ”.
Ông thợ kèn vừa đi vừa kể chuyện. Chuyện của ông cứ mông lung, tiếng ông cứ khào khào trôi tuột ra đồng. Nhưng nghe giọng ông thì biết, có một cái gì đó vừa kính cẩn vừa sợ hãi. Ông nói thêm: “Anh có biết không, cái kiểu chết này oái oăm lắm. Như ở gần nhà tôi ấy, có bà cụ già đến 80 tuổi rồi, bệnh tật, ăn một chỗ, nằm một chỗ... Thế mà cụ chẳng làm sao. Cái người bị run rủi hóa ra lại là thanh niên, say rượu, trên đường đi về thì ngã chết”.
Cuốn sổ tử và những con số biết nói
Không phải chúng tôi nghi ngờ tính chân thực qua những câu chuyện của bà con, nhưng thực tình, chúng vẫn chỉ là một thứ tài sản từa tựa như… sưu tầm được trong dân gian qua những cuộc trà dư tửu hậu. Với hy vọng có được những con số thuyết phục, chúng tôi tìm đến trạm y tế xã Tạ Xá, nơi lưu giữ cuốn sổ tử của cả làng.
Trạm trưởng Hoàng Kim Báo ngoài nhiệm vụ sơ cứu, chữa trị cho những bệnh nhân ốm đau, chỉ huy đỡ đẻ, tiêm chủng phòng bệnh trẻ em, chăm sóc bà mẹ mang thai… thì anh còn là người sao chép và lưu giữ sổ tử, với những thông tin cơ bản như tên người chết, ngày chết, nguyên nhân chết...
Cuốn sổ mà anh Báo cẩn thận gỡ từng mép giấy đưa cho chúng tôi lưu thông tin về những người ở Tạ Xá qua đời từ năm 2005 đến nay. “Trước đó thì không tập hợp được dữ liệu đâu” – anh phân trần. Nhưng chỉ lướt qua vài trang giấy đã ố vàng, chúng tôi thực sự sững sờ. Những con số ngày, tháng, năm trong đó khẳng định bà con Tạ Xá không đặt điều về chuyện chết đôi, chết chùm ở làng mình.
Ngày 7-10-2005, cháu Mai Ngọc Đoạt mới 36 tháng tuổi chết vì đuối nước.
Ngày 14-10-2005, bà Nguyễn Thị Ước chết vì tai biến mạch máu não.
Ngày 17-10-2005, ông Nguyễn Văn Tiếp chết vì nguyên nhân tương tự.
Ngày 19-10-2005, bà Nguyễn Thị Nhân, 90 tuổi chết vì suy nhược.
Sang tháng 11 cũng năm 2005, liên tiếp trong các ngày mùng 3, mùng 6 và mùng 9, bà Lê Thị Thay chết vì suy kiệt, anh Hoàng Văn Thi bị giết và cháu Nguyễn Thị Hiệp bị chó dại cắn cũng không qua khỏi.
Chưa hết, ngày 3-12-2005, ông Nguyễn Văn Tỵ (104 tuổi) chết vì tuổi già thì chỉ 2 ngày sau, ông Hoàng Văn Khanh (64 tuổi) cũng chết vì tai biến mạch máu não.
Năm 2008, chỉ trong vòng 7 ngày, làng Tạ Xá đã có 5 đám tang.
Năm 2008, chỉ trong vòng 7 ngày, làng Tạ Xá đã có 5 đám tang.
Hầu như năm nào, Tạ Xá cũng có những giai đoạn lao đao vì cả làng nhốn nháo lo ma chay, tang lễ. Hết thảy đều là người làng người nước, không họ hàng thì cũng chung ngõ, chung đường. Anh Báo lúc ấy mới ngẩn người ra.
Tất nhiên, chết đôi, chết chùm ở Tạ Xá không phải là tuyệt đối. Trong cuốn sổ tử của làng, vẫn có những trường hợp chết một thời gian tương đối dài (có khi một vài tuần, có khi cả tháng) mà không… lôi kéo hay rủ thêm ai khác. Nhưng rõ ràng trong phạm vi một đơn vị hành chính nhỏ như một xã mà liên tiếp năm nào cũng xảy ra rất nhiều cái chết theo kiểu bộ đôi, bộ ba thì quả là hiện tượng khác thường.