Những tưởng, loài rồng chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích, nhưng ở xứ Mường Rụng, tỉnh Hòa Bình câu chuyện về một dòng họ đã từng nuôi dưỡng và thờ phụng loài Rồng với vô vàn những bí ẩn chưa có lời giải vẫn được truyền tụng và lưu giữ từ đời này qua đời khác…
Mường Rụng, Hòa Bình, mảnh đất chứa đựng biết bao nhiêu câu chuyện huyền bí, chưa có lời giải. Sau những dãy núi chạm mây, những con sông, con suối uốn lượn, những thung lũng vẫn còn giữ được nét hoang sơ như thời tiền sử, là những bản làng của người dân xứ mường mà mới chỉ nghe tới những cái tên: xóm Bái Cải, xóm Chim, xóm Đầm, xóm Khuyển đã đủ cảm thấy ngợp sức người.
Ở nơi đấy, con người sống hiền lành, thật thà, vừa đáng yêu vừa đáng quý. Cuộc sống bao đời nay của những bản làng nơi đây gắn liền với cây cỏ, non nước và mây mù, với biết bao phong tục, tập quán cùng những câu chuyện huyền bí xung quanh.
Có lẽ điều may mắn nhất đối với tôi trong chuyến đi này là được cùng ăn, cùng sống với đồng bào xứ mường, tuy chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng cũng một phần nào đó hiểu thêm được bản sắc văn hóa của vùng đất này.
Trong tiết trời se lạnh của những cơn gió bấc đầu đông, bên bếp lửa bập bùng, vò rượu cần ngọt lịm, PV đã được những cụ già, khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” kể cho nghe nhiều câu chuyện đậm sắc màu huyền bí.
Ông Quách Văn Tiến, một cụ già ở xứ mường kể cho PV nghe truyền thuyết về dòng họ nuôi rồng |
Trong hơi ấm của bếp lửa hồng, cùng men say của rượu cần, chúng tôi như bị cuốn hút theo những lời kể của ông Tiến. Với giọng kể chầm chậm, cùng đôi mắt thẳm sâu như chứa đựng gần như trọn vẹn những bí ẩn của cả núi rừng, ông Tiến bồi hồi nhớ lại: Khi tôi còn rất nhỏ, mảnh đất Mường Rụng ngày nay vẫn còn vô cùng hoang sơ, có những vùng vẫn chưa có dấu chân người đặt tới, khi con người và muôn thú như: hổ, báo, lợn rừng vẫn còn sống chung với nhau, thì người dân ở đây đã truyền tai nhau về một câu chuyện mang đậm sắc màu truyền thuyết đó là câu chuyện về một dòng họ nuôi rồng.
Đầm Sao, nơi được cho rằng một người trong dòng họ Quách đã vớt được trứng rồng. |
Nghĩ rằng, mình đi bắt cá nên chẳng lấy quả trứng để làm gì nên ông lão ném quả trứng đi nơi khác rồi tiếp tục công việc. Được khoảng một tiếng sau, một lần nữa, ông Lão lại vớt phải quả trứng lạ trước đó đã tự tay ném đi. Lần này, ông lại ném quả trứng đi. Sau đó, lần thứ 3, thứ 4, quả trứng vẫn tiếp tục lọt vào chiếc rổ ông lão dùng để vớt cá.
Thấy kỳ lạ, ông lão liền bỏ quả trứng vào giỏ mang về. Về tới nhà, vì nghĩ rằng chắc đó là quả trứng vịt hay trứng chim nên ông lão mang quả trứng đặt vào ổ gà đang ấp. Khoảng 1 tuần sau đó, cũng đúng thời kỳ trứng gà nở, thì ông lão nghe thấy tiếng gà kêu rồi hoảng sợ nhảy khỏi ổ. Khi ông lão chạy ra xem có chuyện gì thì phát hiện trong ổ gà con xuất hiện một con rắn lạ.
Khác với những con vật thông thường, con rắn lạ khi mới nở ra đã hiểu những lời ông lão nói. Nghĩ rằng đó chắc là con vật thần linh ban cho, ông lão bỏ vào một cái nồi đồng trong nhà để nuôi. Theo ngày tháng con vật cứ lớn dần lên, càng lớn con vật là càng lộ rõ không phải là loài rắn mà đó đích thị là một con Rồng. Tuy mới đầu, ông lão cảm thấy hơi sợ hãi, nhưng thấy con vật không những không nguy hiểm mà còn có vẻ quấn quýt với mình, nên ông lão vẫn tiếp tục nuôi.
Rồng hiểu tiếng người…?!
Cứ mỗi lần đi đâu, dù ông lão không muốn cho con Rồng đi cùng vì sợ mọi người nhìn thấy sẽ hoảng sợ, nhưng con vật vẫn cứ lẽo đẽo theo sau, một bước cũng không chịu rời ông cụ. Không thể làm gì khác, ông lão đành phải cho con Rồng đi cùng. Cứ đi tới đâu, ông cũng để cho Rồng trèo lên vai rồi cõng đi. Nơi nào ông cụ tới, lúc đầu mọi người cũng tỏ ra hoảng sợ, nhưng khi được ông lão giải thích, mọi người đều cảm thấy được trấn an và không còn sợ hãi nữa.
Tới nhà nào, con vật cùng trèo lên sàn nhà nằm vắt vẻo chờ ông lão nói chuyện. Khi về, ông lão lại gọi Rồng xuống để cõng về.
Theo thời gian, con Rồng lớn nhanh như thổi, chiếc nồi đồng không còn đủ sức chứa nữa. Hàng ngày con Rồng ăn rất nhiều, gia đình ông lão lại nghèo khổ. Cho tới một ngày, ông lão suy nghĩ, đây là con vật thiêng vì vậy mình không thể nuôi mãi mà nên trả nó lại cho đất trời. Ý nghĩ là vậy, nhưng để tìm một nơi thích hợp cho rồng sinh sống an toàn và tránh sự dòm ngó của những kẻ phàm phu, tục tử cũng không phải là chuyện đơn giản. Nó làm cho ông lão mất ăn, mất ngủ bao đêm.
Những người dân nơi dây cho biết, dòng họ nuôi rồng này là dòng họ Quách của sư thầy Quách Thị Giang, hiện đang trông coi một ngôi đền tại địa phận xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Trong trí nhớ của sư thầy, thì đời cụ ông từng nuôi Rồng cách đời ông khoảng 5-6 đời.
Tiếp truyện PV, sư thầy Quách Thị Giang tiếp tục kể câu chuyện nuôi Rồng đã được truyền tụng từ đời này qua đời khác trong dòng họ của mình: Sau khi cảm thấy không còn đủ sức để nuôi rồng nữa, ông lão đã đi khắp vùng tìm nơi ở mới cho Rồng, trả nó về nơi nó vốn thuộc về đó là thiên nhiên, đất trời.
Lần đầu, ông cụ mang Rồng tới đoạn sông thuộc địa phận xóm Rại, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, Hòa Bình ngày nay để thả. Sau khi Rồng lặn xuống nước để thăm dò địa hình, được một lúc thì ngoi lên lắc đầu với ông cụ. Hiểu ý, ông cụ lại tiếp tục cõng rồng trên vai mang tới nơi khác.
Khi tới đoạn sông nước chồm, thuộc xứ mường Chồn của Hòa Bình, ông cụ lại cho Rồng lặn xuống nước. Thêm một lần nữa, Rồng lại ngoi lên lắc đầu. Đang trong lúc tuyệt vọng, trong đầu ông lão chợt lóe lên ý nghĩ, tại sao không thả Rồng về nơi mà trước đây ông lão đã vớt được trứng rồng. Vậy là, ông lão quên hết mệt mỏi cõng Rồng tới đầm Sao, thuộc địa phận xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, Hòa Bình ngày nay.
Khi tới đây, khi chuẩn bị thả Rồng xuống đầm Sao, ông lão chợt nhận ra, chiếc đầm bên cạnh còn rộng rãi và phong cảnh còn hữu tình hơn nhiều, đó chính là đầm Ấm, nên liền mang Rồng tới đó thả. Khi Rồng lặn xuống nước, rất lâu sau mới thấy ngoi lên, lần này khác với những lần trước, Rồng đã há miệng gật đầu với ông lão.
Hành trình tìm về nơi được Rồng chọn làm nơi trú ngụ như thế nào? Câu chuyện Rồng trả ơn người nuôi mình ra sao, những câu chuyện ly kỳ gì xung quanh khu đầm nơi Rồng sống, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trong kì tiếp theo.