Đến nay, đa số các tỉnh, thành phố đã triển khai áp dụng giá viện phí mới, trong đó có 3 địa phương có mức thu nhập, khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ y tế không cao, thậm chí thấp nhưng sẽ áp dụng giá viện phí “ngất ngưởng” là: Khánh Hòa (giá viện phí tương đương 95% khung giá tối đa), Đồng Tháp và Ninh Thuận (tương đương 93% khung)…
Trước đó, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên thực hiện khung giá mới từ ngày 10/6, ngay sau khi được Hội đồng nhân dân phê duyệt. Cụ thể, tỉnh này đã điều chỉnh giá 447 giá dịch vụ y tế với mức tăng trung bình 2-4 lần.
Tại thành phố Hà Nội, tính đến 1/8 đã có 5 bệnh viện được Bộ Y tế kí thông qua giá viện phí mới gồm BV Việt Đức, BV Bạch Mai, Bệnh viện K, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư và bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển- Uông Bí.
Các Bệnh viện "lặng lẽ" tăng viện phí
Tính đến ngày 5-8, Bệnh viện K (Hà Nội) đã qua 15 ngày thực hiện viện phí mới theo thông tư ngày 16/07/2012 của bộ Y Tế . Tuy nhiên, khi được hỏi thì hầu như tất cả các bệnh nhân đều tỏ ra ngỡ ngàng với thông tin tăng giá dịch vụ, thậm chí là tăng rất nhiều lần so với trước đây.
Các bệnh viện đều có chung quan điểm rằng, khi tăng phí cũng đồng nghĩa với việc tăng chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất. Tuy nhiên khi khảo sát tại một số khoa Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân vẫn nằm ghép hai người/giường. Bác Nguyễn Thị Sơn (Cẩm Giàng - Hải Dương) cho biết đã điều trị tại bệnh viện này 1 tháng nay, nhưng không thấy có gì biến chuyển.
Bệnh nhân thanh toán ra viện tại khu vực không có BHYT
Dù Bộ Y tế yêu cầu phải công bố rộng rãi nhưng không hiểu phương thức triển khai quy định này tại các bệnh viện được tiến hành như thế nào mà chính các bệnh viên nằm trong viện còn không biết về việc tăng viện phí? Điều này cũng dễ lý giải cho sự ngơ ngác của các bệnh nhân mới đến khám lần đầu!
Tại khu phòng khám Bệnh viện K, bảng thu viện phí vẫn được giữ nguyên như cũ, trong khi bệnh viện đã áp dụng giá mới từ ngày 20-7. Điều đó cũng phần nào thể hiện sự quan tâm, chú trọng rất hạn chế của bệnh viện này đối với vấn đề tăng viện phí.
Tại Bệnh việnHữu nghị Việt Đức, bảng giá mới đã được niêm yết theo quyết định mới nhất của Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, một điều ngạc nhiên là hầu hết các bệnh nhân đều không biết đến quy định này. Phải chăng, bệnh viện này cũng chỉ thay những tờ giấy dán bảng giá giống như những thông báo giao ban diễn ra "thầm lặng" hàng ngày, không hề có sự phổ biến để bệnh viên tiện theo dõi.
Bảng giá mới tại BV Hữu nghị Việt Đức
Tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi bắt gặp bác Nguyễn Thu Hà, 52 tuổi (Thạch Thất - Hà Nội) đến đây để nội soi dạ dày, đại tràng ngồi thẫn thờ tại ghế đá rất lâu sau khi thanh toán. Sau đó bác có quay lại hỏi một nhân viên kế toán mới biết là tăng giá.
Bác Nguyễn Thu
Hà sau khi thanh toán viện phí
Trả lời chúng tôi bác Thanh chìa hóa đơn 5 triệu đồng và nói rằng "tháng trước hàng xóm nhà tôi cũng đi nội soi dạ dày, đại tràng, mua thuốc uống cũng chỉ hết hơn 2 triệu, tôi cứ tưởng người ta tính nhầm nên hỏi lại, thì ra là tăng giá, mất gần tấn thóc rồi, nhưng cũng may là không sao."
Tăng viện phí, cũng có bệnh nhân được lợi
Tại khoa tim mạch và lồng ngực tại Bệnh viện Việt Đức, có đến 80% bệnh nhân có bảo hiểm vì các chi phí cho việc điều trị rất lớn.
Cũng tương tự, tại khoa thận - tiết liệu, các bệnh nhân cũng không chịu tác động nhiều từ tăng viện phí. Ông Nguyễn Văn Đà (Hoàng Mai - Hà Nội) là một bệnh nhân suy thận nặng, đã được ghép thận 3 năm nay tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hàng tháng ông vẫn đến viện để điều trị bằng thuốc chống thải ghép. Ông được bảo hiểm thanh toán cho 95% chi phí khám chữa bệnh,vì vậy ông vẫn thở phào nhẹ nhõm sau khi thanh toán hết đợt điều trị:
"Nếu không có bảo hiểm, mỗi lần thế này tôi phải thanh toán đến gần 7 triệu đồng nhưng nhờ mua bảo hiểm, tôi chỉ phải nộp 650 nghìn thôi, tôi không thấy lo lắm dù đã nghe thấy thông tin tăng viện phí".
Đã là 17 giờ chiều, người dân vẫn xếp hàng chờ thanh toán.
Tuy nhiên, đa số người dân đặc biệt là người dân các tỉnh nghèo chưa ý thức được ý nghĩa của việc mua BHYT, chỉ khi nào bệnh trầm trọng mới cuống cuồng đi khám, đã có không ít người bán nhà, bán ruộng để chữa bệnh. Rất dễ để chứng minh tỷ lệ chênh lệch này tại nơi thanh toán có Bảo hiểm và không có bảo hiểm.
Ngược lại, nơi thanh toán bảo hiểm Y tế thì lại khá thảnh thơi và đóng cửa sớm.
Từ thực trạng trên cho thấy, Bộ Y tế nên thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia BHYT, và xem xét việc hỗ trợ các bệnh nhân nghèo tạo điều kiện cho họ điều trị với mức giá mới khá cao này.
H. Hiển - T. Huyền