Theo bác sĩ Phạm Vũ Thanh - bác sĩ điều trị khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, anh Nguyễn Duy Hải nhập viện lúc 16g chiều ngày 24-10 với tình trạng mạch bắt không được, thở không nổi, hôn mê sâu, phù não… Các bác sĩ của bệnh viện đã cấp cứu, tiêm thuốc nâng huyết áp, đồng thời hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị. Anh Hải được cho thở bằng máy và tích cực cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.
Anh Hải trước khi cắt bỏ khối bướu khổng lồ.
Theo phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, BS Bùi Xuân Thanh, người nhà của anh Hải cho biết, lúc 13g30 cùng ngày, thấy anh Hải có biểu hiện đau nơi vết thương cũ và khó thở nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt.
Nhưng do không tìm được nguyên nhân nên Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ đã chuyển thẳng anh Hải sang Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
“Trước đó trong lần tái khám sau phẫu thuật, BS McKay Kinnon phát hiện bên trong vết thương cũ của anh Hải có chứa dịch và đã chỉ định mổ rút dịch, nhưng chưa kịp phẫu thuật thì phải nhập viện” - anh Nguyễn Duy Sang, em trai anh Hải nói.
Hiện tại gia đình đã đưa anh Hải về nhà để chuẩn bị việc mai táng.
Tại nhà riêng của anh Hải, sáng 25-10 rất đông bà con, lối xóm đang phụ giúp gia đình để lo hậu sự.
Bà Nguyễn Thị Cho Con đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con trai mình. Anh Nguyễn Ngọc Huy, là hàng xóm cũng vô cùng bất ngờ trước cái chết đột ngột của anh Hải.
“Mới cách đây mấy hôm tui còn, chơi đùa, nói chuyện với Hải. Tự nhiên hôm qua nghe Hải nhập viện, nghĩ là không sao, sáng nay tính lên bệnh viện thăm thì hay tin…” - anh Huy nói.
Bà Nguyễn Thị Cho Con đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con trai mình - Ảnh: Phan Thành
Người thân đang chuẩn bị hậu sự cho anh Hải - Ảnh: Phan Thành
Nhìn lại quá trình vượt lên khó khăn của anh Hải và các tập thể bệnh viện, y bác sĩ
Theo gia đình anh Nguyễn Duy Hải, anh Hải sinh năm 1980, bị khối bướu ở chân phải từ năm 4 tuổi. Theo thời gian, khối bướu ngày càng lớn khiến anh không thể di chuyển và rất bất tiện trong sinh hoạt.
Năm 1997, anh Hải được cắt bỏ khối bướu, đồng thời cắt bỏ cả chân phải.
Bác sĩ McKay McKinnon là giáo sư khoa giải phẫu chỉnh hình tại ĐH Chicago (Mỹ). Danh tiếng của ông lan rộng sau khi thực hiện thành công nhiều ca mổ bướu “vô tiền khoáng hậu” mà không nhiều người tin tưởng sẽ thành công, điển hình như ca mổ cắt bỏ khối u 90,7kg của Lori Hoogewind (Mỹ) kéo dài 18 giờ, hay ca 80kg của Lucica Bunghez ở Romania năm 2004, và ca bóc tách khối u khổng lồ của anh Nguyễn Duy Hải ở Đà Lạt.
Năm 2001, khối bướu lại tiếp tục phát triển. Anh Hải đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, cho đến khi được bác sĩ McKay McKinnon tiếp nhận phẫu thuật.
Đầu tháng 11-2011, bác sĩ McKay McKinnon dự định phẫu thuật cho anh Hải tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhưng vì nhiều lý do, ca phẫu thuật bị hoãn lại.
Ngày 27-12-2011, anh Hải đã nhập viện tại Bệnh viện FV TP.HCM và được thăm khám cẩn thận, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết cũng như kiểm tra chức năng các cơ quan và khám tiền mê. Kết quả cho thấy chức năng phổi và tim của anh Hải đã cải thiện hơn thời gian trước, chức năng gan và thận đều bình thường. Chân trái có dấu hiệu teo cơ nhưng vẫn giữ được chức năng cơ bản.
Ngày 3-1-2012, bác sĩ McKay McKinnon đã cùng hội chẩn với đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện FV để đánh giá toàn diện sức khỏe của bệnh nhân trước ca phẫu thuật.
Tổng chi phí của ca phẫu thuật cho anh Hải ước tính khoảng 420.000.000 đồng (20.000 USD), chưa bao gồm phí phẫu thuật viên.
Tuy nhiên, Bệnh viện FV chỉ thu tượng trưng 252.000.000 đồng, trong đó Hội Chữ Thập Đỏ Đà Lạt ủng hộ 110.000.000 đồng và các nhà hảo tâm khác ủng hộ 142.000.000 đồng thông qua sự kêu gọi của các đơn vị báo đài trong thời gian qua.
Toàn bộ chi phí ăn ở và đi lại của bác sĩ McKay McKinnon trong thời gian một tuần ở Việt Nam do Bệnh viện FV tài trợ. Đồng thời, bác sĩ McKay McKinnon không tính phí phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ngày 5-1-2012, ca phẫu thuật "lịch sử" cho anh Hải được tiến hành. Đây là một ca phẫu thuật lớn với rất nhiều rủi ro đi kèm nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật lẫn hậu phẫu. Tỷ lệ thành công khoảng 50%. Các bác sĩ đã giải thích rõ với bệnh nhân và gia đình về những rủi ro này. Sau khi được tư vấn cặn kẽ và hiểu rõ về quá trình phẫu thuật cũng như các rủi ro đi kèm, bệnh nhân và gia đình quyết định tiến hành ca phẫu thuật
Toàn bộ quá trình hội chẩn và phẫu thuật đều được kênh truyền hình MorningStar Entertainment của Mỹ ghi hình trực tiếp. Đồng thời, Bệnh viện FV cũng sắp xếp quay và truyền hình trực tiếp ca phẫu thuật đến khán phòng tầng ba của bệnh viện để các bác sĩ tại FV và các bệnh viện bạn có thể quan sát trực tiếp và cùng tích lũy kinh nghiệm.
Sau hơn 10 giờ phẫu thuật liên tục (từ 8g đến 19g45), tại phòng mổ Bệnh viện FV, TP.HCM, bác sĩ McKay McKinnon đến từ Mỹ cùng ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện FV đã cắt bỏ hoàn toàn khối u nặng 90kg cho anh Hải. Ca mổ thu hút rất nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước quan tâm đưa tin.
Ngày 10-2, Bệnh viện FV, TP.HCM cho biết sau một tháng phẫu thuật khối bướu khổng lồ 82kg, anh Hải đã tự đứng lên và đi được vài bước chân đầu tiên bằng cách chống nạng.
Ngày 5-1-2013, tức tròn một năm sau ca mổ lịch sử bóc tách khối u gần 90kg, anh Hải đã hòa nhập tốt với cuộc sống, có thể đi dạo phố trên cái chân còn lại và tự làm những việc cá nhân mà người mẹ già từng làm giúp hơn chục năm trời.