Bé gái "làm mẹ" từ khi 9 tuổi ở Cao Bằng hiện ra sao?

Nguyễn Huệ |

Từ khi mẹ qua đời, bố ngập trong men rượu, bé gái 9 tuổi ở Cao Bằng đã phải thay bố, thay mẹ chăm sóc các em.

Ông bố nghiện rượu và 3 đứa trẻ mồ côi

Nghe tin bố của Hoàng Thị Mũ (lớp 7B, trường THCS thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) qua đời hôm 14/3/2015 sau những ngày triền miên “rượu thay cơm”, tôi không khỏi ái ngại cho cuộc sống của 3 đứa trẻ nhỏ.

Bố của Mũ bị bệnh gan và đã không ít lần nôn ra máu. Ông mất sau những ngày điều trị tại bệnh viện và được bệnh viện trả về vì gan bị tổn thương quá nặng.

Mũ – cô bé sinh năm 2002, nhưng suốt 5 năm qua em đã phải đảm nhiệm vai trò vừa làm bố vừa làm mẹ của hai đứa em.

Trước đó, mẹ và em trai 4 tuổi của Mũ bị dòng sông Gâm cướp đi tính mạng khi Mũ mới chưa đầy 9 tuổi. Báo giới trong nước đã dùng cụm từ "bé 9 tuổi làm mẹ" để viết về hoàn cảnh của em.

Những thông tin về hoàn cảnh chị em Mũ sau khi được đăng tải đã gây xúc động mạnh với độc giả cả nước.

Ba chị em Hoàng Thị Mũ
Ba chị em Hoàng Thị Mũ

Mấy chị em Mũ đi đâu cũng có nhau kể cả lúc lên nương, đi chợ, đi ngủ và cả khi đi học. Vì… bố phó mặc việc chăm hai em cho Mũ để quên mình trong ma men. Thậm chí nhiều đêm ông còn không về nhà.

Sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ, đoạn đường từ nhà đến trường của chị em Mũ không phải là 5 con dốc với tổng chiều dài hơn 2km nữa mà chỉ còn quãng đường chừng 100m.

Cô Nông Thị Lới - phụ trách công đoàn Trường tiểu học Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, giáo viên chủ nhiệm em Hoàng A Dũng (em trai thứ 2 của Mũ) chia sẻ:

“Chúng tôi đã trích từ số tiền mà các nhà hảo tâm ủng hộ mấy chị em Mũ để mua ngôi nhà và ruộng đất ngay cạnh trường Mũ học với tổng chi phí là 80 triệu đồng khi Mũ đang học lớp 5.

Mũ lên cấp 2, trường cách nhà 6km nên chúng tôi cũng trích từ số tiền ấy mua cho em chiếc xe đạp. Thương em đi lại xa vất vả, hiệu phó của trường đã cho em ở lại gia đình mình.

Những tưởng sau khi có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, người bố nghiện rượu ấy trở về con đường làm ăn như xưa nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn lười hơn.

Một tháng 30 ngày may ra có hai ngày ông ấy tỉnh rượu nên việc học hành của các con cũng bị ông bỏ bê.

Nhà cách trường không xa nhưng ngày nào A Dũng (em trai Mũ) cũng tới lớp muộn. Bởi lẽ, có ai nhắc em việc học đâu!”.

Từ ngày có tiền ủng hộ, bố của Mũ chỉ trông chờ vào số tiền ấy để sống và không biết tới ruộng nương là gì. Toàn bộ ruộng nương, ông nhượng lại cho anh em, họ hàng và lại… ngập ngụa trong rượu.

Có hôm uống rượu vào, chửi bới xong ông lại nằm ngủ ngay cạnh trường. Khi hết tiền, hết đồ ăn trong nhà, ông lại nói với Mũ, rồi Mũ lên nói với các cô giáo trong trường trích tiền ủng hộ để mua vật phẩm cho gia đình.

Đường tương lai của 3 đứa trẻ mồ côi

Mọi trách nhiệm gia đình vẫn đổ lên vai Mũ. Nhưng không còn là hình ảnh Mũ cõng em băng đèo, lội suối đi học hay địu em lên nương làm rẫy vì… giờ đứa nào cũng lớn cả rồi.

Mũ cũng trở thành cô thiếu nữ lớp 7 nặng hơn 40kg, biết suy nghĩ, tháo vát việc nhà hơn. Em thứ hai của Mũ là Hoàng A Dũng học lớp 5 còn em út là bé Hoàng Văn Bình đang học lớp mầm non 4 tuổi.

Ở nhà cô hiệu phó gần trường nhưng cuối tuần nào Mũ cũng đạp xe về nhà thăm em. Hoặc những buổi chiều nghỉ học, Mũ cũng về với em mình. Vì cô bé nhớ và lo cho các em của mình rất nhiều.

5 năm nay, Mũ đã đảm nhận vai trò vừa làm bố, vừa làm mẹ để chăm sóc các em
5 năm nay, Mũ đã đảm nhận vai trò vừa làm bố, vừa làm mẹ để chăm sóc các em

Khi bố mất, hai em của Mũ về ở với chú ruột. Mũ vẫn ở lại nhà cô hiệu phó. Nhà chú cũng cách trường học khá xa.

Để tiện cho việc chăm em út, mới đây, Mũ đã đạp xe xuống nhà chú để đón em về ở cùng mình.

“Chúng tôi cũng dự định đưa ba chị em Mũ về một Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi ở Hà Nội để các em vừa được học văn hóa vừa có cơ hội tìm việc làm tự nuôi sống bản thân.

Cũng sẽ lo, sẽ nhớ các em nhiều, nhưng vì tương lai từng đứa, chúng tôi phải chọn cho các em con đường đi tốt nhất” – cô Lới nói.

Mũ (hàng sau, thứ 3 từ trái sang) cùng 2 em trai và bạn bè.
Mũ (hàng sau, thứ 3 từ trái sang) cùng 2 em trai và bạn bè.

Mũ đã đồng ý sau khi nghe các cô giáo gợi ý phương án này. Nhưng sau một vài đêm suy nghĩ, “người mẹ” của 2 đứa em ấy tới bên cô giáo và nhỏ nhẹ: “Bố em vừa mất nên em chưa muốn rời xa nơi này”.

Nói rồi, Mũ lại hỏi cô giáo: “Xuống dưới đó, 3 chị em em có được ở cùng nhau không?”.

Sự lo toan và câu hỏi của Mũ khiến cô giáo chạnh lòng. Rồi cô nghĩ, ngày ấy nếu không có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, không biết cuộc đời của 3 chị em Mũ sẽ đi về đâu khi bố chỉ biết tới rượu?

Nghe câu chuyện của 3 đứa trẻ mồ côi ấy, bất chợt trong tôi hiển hiện hình ảnh của quãng đường dài hơn 2km mà Mũ đã từng cõng em đi qua trong suốt thời gian gần một năm để tới lớp: Đường gập ghềnh, nhầy nhụa, nhiều sỏi đá và phải băng qua 5 con dốc…

Dưới đây là một số hình ảnh em Hoàng Thị Mũ chăm hai em của mình được tờ Dân Việt ghi lại vào năm 2011. Khi đó, Mũ chưa đầy 9 tuổi, em nhỏ nhất tròn 7 tháng tuổi.

Đường đến trường dài hơn 2km với 5 con dốc

Mũ đưa em tới lớp, vừa trông em, vừa học bài.

Mũ vừa địu em nhỏ, vừa vệ sinh cho em lớn. (Ảnh: Dân Việt)
Mũ vừa địu em nhỏ, vừa vệ sinh cho em lớn. 

Thay đồ cho em.

Hái rau chuẩn bị bữa ăn...
Bón cho các em ăn.

Bón cho các em ăn.

 

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

 

  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại