5 tuổi, bé Nguyễn Văn Tuấn Tú người nhỏ như đứa trẻ lên 2, vẫn phải uống nước bằng bình và có người chăm sóc. Anh Nguyễn Văn Dũng (43 tuổi, bố Tú) cho biết, lọt lòng mẹ được 1 tháng, bé thường xuyên lên cơn co giật, chỉ phát triển phần đầu mà chân lại nhỏ và cong dần. Bệnh viện Nhi Trung ương xác định, bé bị bệnh thiếu máu, xương thủy tinh, phải truyền máu liên tục. Trước đó, năm 2000, con gái thứ hai của anh cũng bị tình trạng tương tự và đã qua đời.
Đầu Tú ngày một lớn dần, đôi mắt luôn mở to, ngay cả trong khi ngủ. Anh Dũng cho biết, vợ chồng quê Thanh Hóa vào Sài Gòn làm ăn. Sau khi sinh bé gái đầu Nguyễn Thị Thùy Trang, gia đình ra Đà Nẵng lập nghiệp. Anh làm công nhân nạo vét cống trong sân bay Đà Nẵng - điểm nóng về nhiễm chất độc dioxin từ thời chiến tranh. Do hay mang tôm cá ở đây về ăn nên vợ chồng anh sinh ra hai đứa con đều bị dị tật.
Tuấn Tú không thể tự đứng được. Chị gái Thùy Trang sau giờ tan học lại quấn quýt bên em, lo chăm sóc từ mặc quần áo, đến cho em uống thuốc, ăn cơm. Cũng từ sau khi sinh bé Tuấn Tú, nghi mình bị nhiễm chất độc dioxin / da cam nên hai vợ chồng anh Dũng quyết định không sinh thêm con. Anh Dũng cũng cho biết, khi tiếp xúc với việc đào xúc bùn tại sân bay anh thấy có mùi hôi khó chịu nhưng không nghĩ chất độc thời chiến tranh còn có tác dụng đến giờ. Hiện, anh bị bệnh kém thị giác, thủng màng nhĩ.
Những câu nói bập bẹ "cháu chào bố" mỗi khi anh Dũng đi làm về khiến anh bật cười ôm hôn con rồi lại chực khóc. 12 năm qua gia đình anh đã sống với những đứa con không lành lặn.
Chị Lưu Thị Thư (41 tuổi, mẹ bé Tuấn Tú) làm nhân viên bán hàng tại sân bay Đà Nẵng, cũng thường xuyên cùng chồng thay phiên nhau ở nhà chăm sóc con. Do sức đề kháng của Tuấn Tú kém nên chị rất ít khi tắm cho con, thường là pha nước ấm và lau người.
Mỗi lần có khách, Tuấn Tú nằng nặc đòi được bắt tay, hỏi khách tên gì để làm quen. Tuy nhiên, mỗi khi lượng máu trong người giảm, cậu bé lại lên cơn co giật.
Thi thoảng, cậu bé 5 tuổi được bà ngoài đưa đi dạo trên chiếc xe của trẻ em.
Những lần Tuấn Tú được nhìn phố phường đông vui chính là khi cậu phải đi khám bệnh hay truyền máu. Anh Dũng cho biết, bình quân mỗi tháng Tú phải đi truyền máu 3 lần, mỗi lần nằm viện 6 ngày và phải truyền 600 - 700 cc máu.
Mỗi lần được bác sĩ khám bệnh, Tuấn Tú lại khóc hét lên vì sợ.
Dù đã 5 tuổi nhưng Tuấn Tú luôn phải sờ ti mẹ mới chịu ngủ.
Ngồi lật dở cả tập dày bệnh án của con ở khắp các bệnh viện Hà Nội, Đà Nẵng, anh Dũng cho biết, mỗi tháng đi truyền máu cho con cũng mất 4 - 5 triệu đồng. Mới đây cháu được nhận hỗ trợ trẻ em tàn tật khó khăn nhưng các loại chi phí đã vượt quá sức của vợ chồng anh.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng cho biết, rất quan tâm đến trường hợp của bé Tuấn Tú vì cháu có những biểu hiện rõ ràng của trẻ bị nhiễm chất độc da cam so với nhiều cháu bé cùng sống quanh khu vực sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, bé Tuấn Tú không được xếp vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cho người nhiễm chất độc da cam vì chính sách này hiện chỉ ưu tiên cho những người tham gia cách mạng trước năm 1975 có con bị thương tật. |