Loài cú lợn này có ở hầu hết các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Huế, TP.HCM,... và thường làm tổ trên góc nhà bỏ hoang hoặc trên tường cao.
Thức ăn chính của loài cú này là chuột, ngoài ra có thể là chim, thằn lằn và một số côn trùng...
Chim cú lợn trưởng thành có kích thước cánh 275-323 mm; đuôi: 119-127 mm; giò: 68-77 mm; mỏ: 30-32 mm. Đĩa mặt hình trái tim, trắng óng ánh.
Loài chim lạ khổng lồ người dân Quảng Nam bắt được chính là loài cú lợn. Ảnh: Dân trí
Loài cú này có lông quanh mắt, nhất là phía trước nâu hung. Vòng cổ trắng mịn, mút các lông mà hung điểm nâu nhỏ ở giữa, nửa vòng dưới màu hung nâu thẫm. Mặt lưng và bao cánh lấm tấm nâu xám nhạt và trắng, giữa mút lông có điểm trắng viền nâu thẫm, mép lông hung vàng. Lông cánh hung vàng xỉn có vằn rộng và lấm tấm nâu xám nhạt.
Lông đuôi hung vàng có đốm nhỏ màu nâu xám nhạt, vằn ngang rộng cùng màu. Mặt lưng có màu sắc thay đổi tùy theo từng cá thể, ngả màu nâu xám nhạt hoặc màu hung vàng. Mắt nâu thẫm, mỏ trắng bợt, da gốc mỏ hơi hồng, chân nâu hồng.
Được biết, Việt Nam đã phát hiện ra 3 loài cú lợn. Đó là Cú lợn lưng xám (Tyto alba), Cú lợn rừng phương Đông (Phodilus badius), Cú lợn lưng nâu (Tyto capensis).
Trước đó, ngày 25/12 khi quét dọn ngôi nhà hai tầng ở thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Phô đã phát hiện một tổ chim có đường kính gần 0,8 mét với 6 chú chim non mỗi con nặng hơn nửa kg, mỏ quắp cụp xuống trông giống hệt loài chim đại bàng.
Theo Bee