Sáng ngày 20/5, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm đã bắt đầu. Trong số các bị cáo bị truy tố, bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt do đang phải điều trị bệnh trong bệnh viện. Sau khai mạc phiên xử vài tiếng, HĐXX quyết định ông Trần Xuân Giá đã được tạm đình chỉ vụ án.
Khi được hỏi về ý kiến của mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: "Tôi là một công dân, đã lãnh đạo doanh nghiệp gần 30 năm nay, trong quá trình đó tôi không vi phạm pháp luật, yêu cầu HĐXX tạo điều kiện để tôi được trình bày đầy đủ tất cả.
Đề nghị HĐXX cho tôi được nhận các văn bản pháp luật của luật sư vì 2 năm nay tôi không được nhận bất kỳ một văn bản pháp luật nào và không có văn bản pháp luật trong tay tôi rất khó trình bày. Hết buổi xử tôi xin trả lại.
Thứ hai, tôi không đùn đẩy, không trốn tránh trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi đề nghị HĐXX chỉ rõ các hành động của tôi vi phạm vào những điểm cụ thể trong các văn bản pháp luật. Trong hồ sơ thấy thiếu rất nhiều văn bản quan trọng liên quan đến cá nhân tôi.
Thứ ba, trong hồ sơ, tôi thấy thiếu một số văn bản quan trọng liên quan đến cá nhân tôi. Tôi đề nghị ác luật sư gửi lên HĐXX phần kiến nghị của các luật sư liên quan đến tôi và tôi ủy quyền cho các luật sư công bố rộng rãi các ý kiến đó.
Tôi cũng đề nghị HĐXX bổ sung trong hồ sơ 2 nguyên đơn gửi cơ quan điều tra, và bổ sung biên bản lời khai trước cơ quan điều tra của giám đốc ACB và biên bản các cuộc họp của các công ty con. Tôi cho rằng đó là những hồ sơ quan trọng có liên quan trực tiếp đến vụ án".
Tại phiên xử, bị cáo Kiên cũng kiến nghị: "Đề nghị HĐXX triệu tập 3 cơ quan có liên quan đến những vụ việc của các công ty của tôi, trong đó có Ủy ban chứng khoán nhà nước".
Và thông qua luật sư, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX bổ sung thêm 2 người. Một là đại diện phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vì vụ án không chỉ liên quan đến cá nhân bị cáo mà còn liên quan đến hàng nghìn doanh nghiệp và hàng trăm ngàn doanh nhân ở Việt Nam nên sự có mặt của đại diện VCCI là cần thiết.
"Đề nghị HĐXX mời bà Phạm Chi Lan – người đã tham gia soạn thảo, trình dự thảo luật doanh nghiệp trong vòng 20 năm qua ở Việt Nam làm nhân chứng chứ không phải với tư cách là người liên quan", bị cáo nói.
Theo bị cáo Kiên, nhiều nhân chứng vắng mặt nên mong HĐXX cố gắng giúp bị cáo triệu tập những người này.
“Tôi bị bắt 21 tháng chưa được gặp gia đình dù lãnh đạo Tòa án tối cao có văn bản cho phép tôi gặp gia đình, Đây là quyền tối thiểu của tôi, tôi xin được gặp gia đình”, bị cáo này nói.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày tiếp: “Tôi đề nghị HĐXX có ý kiến về việc tôi bị cùm. Việc cho phép tôi mặc thường phục trước tòa là theo nghị quyết của quốc hội. Việc cùm chân tôi là biện pháp không cần thiết.
Đối với tôi, việc ông Trần Xuân Giá có mặt là tốt nhất, đề nghị xem xét ý kiến của ông, nếu dự được thì tiếp tục còn nếu không dự được thì xin đình chỉ vụ án. Trước mắt, chờ 10 ngày nữa, có thể ông Giá dự được thì tiếp tục".
Trước những đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - chủ tọa phiên tòa nói: “Đối với một số người được yêu cầu triệu tập thêm, trong khi xét xử, nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập. Việc cùm chân tay, là thẩm quyền của Bộ công an, đề nghi thực hiện đúng quy định. HĐXX yêu cầu cung cấp tài liệu cho bị cáo là chính đáng. Đề nghị LS cung cấp tài liệu cho bị cáo”.
Liên quan đến sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá, sau đó, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính cho hay sau khi tạm dừng phiên xử để hội ý, HĐXX đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo này.
Cũng tại phiên xét xử của vụ án này, chiều nay, 20/5, sau khi đại diện VKSND công bố bản cáo trạng của vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo với những tội danh như đã nêu là không chính xác.
Xem thêm 2 clip Bầu Kiên tại phiên xử ngày 20/5:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA