Bấp bênh nghiệp gieo chữ ở xóm lò gạch

vytran |

Lớp học tình thương dành cho đám trẻ con công nhân lò gạch nghèo đó có nguy cơ biến mất mãi mãi.

Ông Huỳnh Văn Phê (thường gọi Tư Phê) - giáo viên của lớp học đặc biệt này đã rơm rớm nước mắt khi nhắc đến cái nơi gieo chữ ở xóm lò gạch nghèo khó.

Theo ông Phê, lớp học tình thương ấp Tân Lập (Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) vốn được dựng lên từ nền đất của ĐH Quốc gia TP HCM gần 20 năm trước.

Ông Tư đang phát quà cho học trò

‘Nhìn thấy cảnh lũ trẻ suốt ngày lăn lộn ở những bãi rác, thương xót quá, tôi đã xin một nền đất để mở lớp dạy chữ cho tụi nhỏ’, ông Phê cho biết.

Cũng theo ông, khi ông và vợ (Huỳnh Thị Lan) đến vận động thì bị nhiều gia đình từ chối, thậm chí còn đuổi như đuổi tà:

‘Ông bà vẽ chuyện quá, tui không học mà vẫn sống được đó thôi. Việc gì phải đi học cho rách việc, tốn thời gian’, ông Phê bật cười khi nhắc lại quá trình sơ khai của lớp học tình thương.

Sự từ chối của nhiều bậc cha mẹ đã không làm vợ chồng ông Phê nản lòng. Bằng nhiều cách, sau 2 tháng lớp học đã có 10 học trò.

Tính đến nay 'con thuyền chở chữ' Tân Lập đã đưa không ít khách qua sông. Học trò của ông bà giáo già, giờ đây có người đã làm cán bộ ở tỉnh, thành phố.

Ông Tư đang dạy trò đánh vần

Những cống hiến của ông bà giáo Tư Phê cuối cùng cũng được đền đáp.Năm 2004 ông bà Phê đã vinh dự được Bộ GD - ĐT tặng huy chương ‘Vì sự nghiệp giáo dục’.

Tuy nhiên, những ngày gần đây khi nghe được tin ĐH Quốc gia TP HCM sẽ lấy lại đất để xây dựng cơ sở vật chất, mắt ông giáo già buồn đi trông thấy: ‘Rồi đây, tụi nhỏ sẽ đi đâu, về đâu?’.

Ông Nguyễn Tấn Đức, cán bộ địa chính phường Đông Hòa cho biết, hiện chưa huy động được vốn để xây lại lớp học khác.

Ông Đức cho biết thêm, hiện tại địa phương đang cố gắng liên hệ với phía Ban quản lý dự án khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM để xin đất, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại