Bảo tồn di tích không thể bằng những lời nói suông!

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Đàn Xã Tắc, chùa Một Cột và làng cổ Đường Lâm đang là 3 “điểm nóng” về bảo tồn di tích hiện nay” – người đứng đầu Thành ủy Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận tại buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm diễn ra tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào sáng qua (21/5).

Họp để… thừa nhận bế tắc

Chưa bao giờ công tác bảo tồn các di tích, di sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung lại “nóng” như hiện nay.

Vụ hàng trăm hộ dân ở làng cổ Đường Lâm đồng loạt ký vào đơn đòi trả lại di tích để được sống “đàng hoàng hơn, không phải chui rúc như chuột” (lời người dân) đã như giọt nước làm tràn chiếc ly chứa đầy những mâu thuẫn tồn tại lâu nay trong công tác bảo tồn di tích.

Và nếu không có buổi tọa đàm về vấn đề làng cổ Đường Lâm vừa qua thì có lẽ những hạn chế sẽ vẫn còn nguyên, âm ỉ, và biết đâu chừng hậu quả của nó sẽ là những vụ việc còn lớn hơn, phức tạp hơn vụ ở Đường Lâm nhiều lần. Tất cả đều có thể.

Buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành, cơ quan chức năng.
Buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành, cơ quan chức năng.

Buổi tọa đàm để tìm ra giải pháp bảo tồn “hữu hiệu” nhất, “hợp lý” nhất, nhằm “tháo gỡ những vướng mắc” hiện nay ở làng cổ Đường Lâm đã diễn ra suốt hơn 4 tiếng đồng hồ (từ 8h30 đến tận 13h30).

4 tiếng đồng hồ giữa cái nắng nóng hầm hập gần 40 độ C là cả một sự nỗ lực của cả Ban tổ chức lẫn những vị khách tham gia. Nó thể hiện được sự nghiêm túc và cầu thị của Thành ủy Hà Nội và các cấp, ban, ngành liên quan. Và tất nhiên, nó cũng thể hiện cả sự phức tạp của vấn đề.

Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu trong buổi tọa đàm,
Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu trong buổi tọa đàm, "hứa" sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể trong thời gian "sớm nhất".

Gần 20 báo cáo, ý kiến tham luận, tranh luận, góp ý được đưa ra trong buổi tọa đàm. Thậm chí có cả bản báo cáo tham luận dài tận… 12 trang giấy A4.

Tất cả đều khẳng định giá trị và ý nghĩa văn hóa – lịch sử to lớn của di tích làng cổ Đường Lâm, tất cả đều chỉ ra được những mâu thuẫn, hạn chế đang tồn tại lâu nay trong công tác bảo tồn di sản, rằng: đang tồn tại mâu thuẫn giữa bảo tồn và dân sinh, rằng người dân sống trong vùng di tích đang chịu thiệt thòi, rằng công tác quản lý chưa tốt, rằng cần thiết phải có những giải pháp “mềm dẻo” hơn…

Đó là tín hiệu đáng mừng. Mừng vì cuối cùng đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và lãnh đạo Hà Nội đã dám thẳng thắn để nhìn nhận vấn đề, thấy được những hạn chế “thâm căn cố đế” trong công tác quản lý và bảo tồn di tích – vốn có quá nhiều điều để nói.

Giải pháp chung chung

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thẳng thắn thừa nhận: “Đàn Xã Tắc, chùa Một Cột và làng cổ Đường Lâm đang là 3 “điểm nóng” về bảo tồn di tích hiện nay”.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng thừa nhận việc giải quyết “3 điểm nóng” trên không phải là câu chuyện một sớm, một chiều mà phải có lộ trình và cả sự chung tay của nhiều Bộ, ban, ngành có liên quan, một mình Hà Nội khó có thể làm được.

Bí thư Phạm Quang Nghị tại buổi tọa đàm.
Bí thư Phạm Quang Nghị tại buổi tọa đàm.

Trước đại diện người dân làng cổ Đường Lâm, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng “hứa” sẽ giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất, sao cho “người dân có thể sống cùng được với di tích, được hưởng lợi từ di tích”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội – ông Phạm Quang Long thì không giấu diếm khi nói thẳng ra giữa cuộc họp, rằng: “Công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm và vấn đề đảm bảo dân sinh cho người dân trong thời gian qua chưa thực sự hài hòa, thậm chí phát sinh mâu thuẫn. Nhưng để giải quyết vấn đề này như thế nào thì quả thực là chúng tôi cũng… chưa tìm ra cách nào cả”.

Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội:
Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội: "Chúng tôi chưa tìm ra cách!"

Và như để “đỡ” cho Sở, đại diện Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã đưa ra một số giải pháp bước đầu: “Trước tiên, cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, hoàn thành dự án quy hoạch xây dựng khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí trong việc giao đất giãn dân, tu sửa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình trong khu vực làng cổ…”.

“Mong không phải là những lời hứa suông”

Buổi tọa đàm đã “bắt đúng bệnh”, nhưng để tìm ra “thuốc đặc trị” thì có lẽ là chưa. Nó đòi hỏi “phải có lộ trình” – như lời của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã nói. Song dù mới chỉ “tìm ra bệnh” thì buổi tọa đàm cũng được xem như đã thành công, ít nhất là các Bộ, ban, ngành đã “dám can đảm” để nhìn vào thực tế với những hạn chế, thiếu sót của mình.

Nó cũng phần nào giúp người dân làng cổ Đường Lâm cảm thấy ít nhiều “an tâm hơn” trước những lời mà các vị đại diện các cơ quan chức năng đã hứa.

Chị Giang Tú Oanh - người dân làng cổ Đường Lâm:
Chị Giang Tú Oanh - người dân làng cổ Đường Lâm: "Chúng tôi mong được sống như những người dân bình thường, với những điều kiện sinh hoạt ăn ở bình thường như hộ dân ở các vùng quê khác".

Sau buổi tọa đàm, chị Giang Tú Oanh (45 tuổi), một trong những người đại diện cho người dân làng cổ Đường Lâm trong buổi tọa đàm nói: “Chúng tôi làm đơn trả lại di tích làng cổ là vì cực chẳng đã mà phải làm. Không có người dân Đường Lâm nào mà lại không tự hào về làng cổ của mình, nhất là lại đã được xếp hạng cả. Nhưng chúng tôi khó sống quá.

Sống trong làng cổ, trên chính mảnh đất, chính ngôi nhà mà cha ông tổ tiên để lại mà chúng tôi cảm thấy ngột ngạt như ở… nhà tù. Tôi xin lỗi vì nếu có nói quá lời.

Người dân Đường Lâm chúng tôi không đòi hỏi gì cao siêu cả, chúng tôi chỉ mong sao các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm để người dân chúng tôi được sống như những người dân bình thường, với những điều kiện sinh hoạt ăn ở bình thường như hộ dân ở các vùng quê khác”.

Anh Kiều Ngộ Hạnh (người dân Đường Lâm):
Anh Kiều Ngộ Hạnh (người dân Đường Lâm): "Nói chúng tôi bức xúc, mâu thuẫn cá nhân với chính quyền là không đúng".

Anh Kiều Ngộ Hạnh (51 tuổi, người làng cổ Đường Lâm) thì chia sẻ: “Trước tọa đàm, khi chúng tôi làm đơn, có ý kiến cho rằng là do người dân chúng tôi bức xúc, mâu thuẫn cá nhân với chính quyền. Thực ra không phải thế. Chúng tôi không bức xúc với ai cả, chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền và lợi ích chính đáng của mình mà thôi”.

Chị Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ):
Chị Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ): "Chúng tôi hi vọng những giải pháp đưa ra trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ trở thành hiện thực, không phải là những lời hứa suông".

Còn chị Hà Thị Khanh (52 tuổi, người thôn Mông Phụ) thì bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng vì lãnh đạo Bộ và TP Hà Nội cùng các ban, ngành đã quan tâm đến ý kiến nguyện vọng của người dân làng cổ chúng tôi khi tổ chức buổi tọa đàm này.

Dân làng Đường Lâm chúng tôi hi vọng những giải pháp đưa ra trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ trở thành hiện thực, không phải là những lời hứa suông”!.

Bảo tồn di tích không thể bằng những lời nói suông! Bí thư Thành ủy Hà Nội xin lỗi người dân Đường Lâm

(Soha.vn) - “Dù chỉ một ý kiến của người dân Đường Lâm cũng phải giải quyết. Tôi xin lỗi vì đã chậm trễ trong giải quyết vụ việc ở Đường Lâm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn chia sẻ tại buổi tiếp xúc với người dân làng cổ Đường Lâm sáng nay (21/5).

Bảo tồn di tích không thể bằng những lời nói suông! Người Đường Lâm – đất 2 vua – đang nổi giận: Vì sao?

Các đơn vị nhảy vào “khai thác” làng cổ Đường Lâm, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ đồng tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm.

Bảo tồn di tích không thể bằng những lời nói suông! Đường Lâm xin trả Nhà nước di tích quốc gia

78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm vừa đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại