Chiều 19/7, sau khi đi vào khu vực biên giới Việt - Trung, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 14h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8 - 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ.
Đến 1h ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ chiều và tối nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Ở Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang chiều nay còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật mạnh cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật mạnh cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 8, Lục Ngạn (Bắc Giang) có gió giật mạnh cấp 8…
Khu vực phía Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 – 50mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Mẫu Sơn 198mm; Đình Lập (Lạng Sơn) 107mm; Móng Cái 133mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 87mm; Sơn Động (Bắc Giang) 109mm…
Bão hoành hành ở Philippin trước khi vào Việt Nam:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA