Hoàn lưu bão không gây ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam nhưng gây gió mạnh, mưa giông lớn, lốc xoáy trên vùng biển Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau.
Sức gió dự báo mạnh cấp 5, cấp 6, có lúc giật cấp 7.
Cơn bão đầu tiên trên biển Đông đã không ảnh hưởng đến Việt Nam (Ảnh: NCHMF)
Trong khi đó, một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống đã khiến toàn bộ miền Bắc hạ nhiệt sau gần một tuần nắng nóng gay gắt.
Hiện nay, toàn bộ khu vực phía Tây và Đông Bắc bộ đã chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh và nhiệt độ đã giảm rõ rệt. Nhiệt độ trung bình thấp nhất cho cả 2 khu vực này là từ 23-27 độ, cao nhất chỉ từ 30-33 độ (so với mức 35-37 độ của ngày 9 và 10/6).
Do chênh lệch nhiệt độ đột ngột nên toàn miền Bắc có mưa, có nơi mưa rào và dông kèm lốc xoáy.
Đợt không khí lạnh yếu ở phía bắc đã đẩy áp thấp nóng dịch xuống phía Nam nên trong khi miền Bắc mát mẻ thì từ Thanh Hóa trở vào vẫn đang phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt.
Toàn bộ khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đang ở trong nền nhiệt độ 34- 37 độ (đêm và sáng nhiệt độ giảm còn 26-28 độ). Một số khu vực nắng nóng có cường độ mạnh hơn như Thanh Hóa: 39 độ; TP Vinh (Nghệ An): 37,2 độ; Tương Dương (Nghệ An): 37,5 độ; Quảng Bình: 37 độ; Thừa Thiên Huế: 37 độ.
Cá biệt tại Hà Tĩnh, nhiệt độ trưa ngày 11/6 lên tới 40 độ. Trong 2 ngày tới, dự báo nắng nóng sẽ tiếp diễn, nhiệt độ ở Hà Tĩnh đạt mức 39 độ (đêm và sáng nhiệt độ giảm còn 29-31 độ).
Dự báo trong 2-3 ngày tới, khi đợt không khí lạnh lan dần tới thì các tỉnh miền Trung sẽ “hạ nhiệt” nhưng mức hạ không đáng kể từ cường độ đợt không khí lạnh này không mạnh.
Tại Hà Nội, nhiệt độ trưa 11/6 là 31 độ. Trong 2-3 ngày tới, nhiệt độ tại đây chỉ dao động từ 31-33 độ (cao nhất) và 25-27 độ (thấp nhất). Các tỉnh, thành phố lân cận cũng đang có những ngày khá mát mẻ, dễ chịu (Hải Phòng: 27 độ, Việt Trì (Phú Thọ): 30 độ, …).
Theo Vietnamnet