Quốc tế Phụ nữ 8/3/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã "đặt hàng" một số bài viết sâu sắc với góc nhìn độc đáo từ các chuyên gia, nhà báo nổi tiếng.
Bài viết của chuyên gia khác về 8/3
* 8/3 và hạnh phúc của cô gái có người yêu là "Soái ca hoạn lợn" (Việt Hoàng)
* 8/3: Trước khi tặng hoa, quý ông nên đọc 10 điều (Ngô Nguyệt Hữu)
* Lê Hoàng: Chỉ có kẻ điên mới nghĩ phụ nữ cần được tặng hoa hồng
Chừng nào chúng ta, không chỉ đàn ông mà còn cả chính là phụ nữ, đong đếm và cảm nhận được những giọt nước mắt tạo nên một người phụ nữ.
8/3 hay 20/10, chúng ta dễ dàng đọc thấy trên báo đài, các hội nghị tỉ lệ nữ đại biểu Quốc Hội- cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam là 33%- đứng đầu Châu Á và đưa Việt Nam thành quốc gia có số lượng nữ giới tham gia chính trị cao nhất thế giới.
Hay trình độ giáo dục thì cứ 100 cử nhân thì có 36 là nữ, 100 thạc sỹ thì có 34 là nữ, 100 tiến sỹ thì có 24 là nữ. Hoặc 71% phụ nữ từ 13 tuổi trở lên đều có thu nhập độc lập. Đó đều là những con số giá trị trong nỗ lực bình đẳng giới.
Nhưng, số lượng cán bộ cấp quản lý là nam giới gấp 5 lần số lượng cán bộ cấp quản lý là nữ giới. Con số này có thể thay đổi được không khi mà nhiều công sở- cơ quan người ta vẫn tín nhiệm một sếp nam hơn là một sếp nữ.
Với nhiều lý do được đưa ra như bận việc gia đình, như không chịu nổi sức ép công việc, như quỹ thời gian…
Mà đâu đó, nhiều hơn những lý do tưởng chừng hợp lý đó là quan niệm không thích ở dưới trướng phụ nữ đã ăn sâu vào máu nhiều người đàn ông.
Phải thế mà trong các gia đình, nhiều người đàn ông hậm hực, hằm hè khi thấy vợ thăng tiến hay kiếm tiền nhiều hơn mình.
Chiếm 50,6% dân số cả nước nhưng trên nhiều lĩnh vực như trí thức nghiên cứu khoa học, đại biểu quốc hội, bộ trưởng và CEO các công ty, tỷ lệ phụ nữ lại thấp hơn nhiều so với nam giới. Nguồn: Đất Việt.
Hồi hôm, một cô bạn cũ của tôi gọi điện nhờ vả tôi xin về làm một chân hành chính ở cơ quan tôi. Ban đầu tôi ngạc nhiên lắm vì cô bạn ấy vốn đã từng là một nữ phóng viên khá năng động, có góc nhìn độc đáo và quyết liệt.
Như cô, tôi tin chắc rằng nhiều toà báo mong được nhận cô về. Ấy vậy mà giờ cô chỉ mong làm hành chính. Lương thấp cũng được. Vất vả tí không sao. Chỉ cần thời gian đủ 8 tiếng ở cơ quan rồi về.
Cô tâm sự rằng cô phải làm vậy vì chồng cô không chấp nhận vợ lăn lộn bên ngoài. Chồng cô chỉ thích một người vợ công chức 8 tiếng rồi về nhà chăm sóc vườn tược, cây trái và làm một cô vợ lành lành, cô con dâu đần đần.
Và tối hậu thư đưa ra là tình trạng hôn nhân sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu cô vẫn ham mê báo chí.
Để giữ lại cuộc hôn nhân này, cô chấp nhận ngoan một tí và ngu một tí. Bao nhiêu nước mắt đong đầy cho đủ một người phụ nữ như thế?
Bao nhiêu nước mắt đủ để đong đầy một người phụ nữ khi mà nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và UNICEF về Đánh giá các mục tiêu Trẻ em và phụ nữ Việt Nam, cho thấy:
Có đến 64% phụ nữ độ tuổi từ 15-49 chấp nhận hành vi bạo lực của người chồng vì một trong 5 lý do sau:
1. Người vợ đi chơi không nói cho chồng biết.
2. Người vợ bỏ bê con cái.
3. Người vợ cãi lại chồng.
4. Người vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng.
5. Người vợ nấu thức ăn bị cháy.
Những người phụ nữ Việt chịu thương chịu khó, hàng ngày vất vả bên gánh hàng rong để có thu nhập cho cuộc sống gia đình thêm êm ấm. Nguồn: VOV.
Thông qua nhận định này, cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có 2 người đồng ý với việc người chồng có quyền người đánh vợ khi người vợ phạm một trong 5 khuyết điểm nói trên.
Bao nhiêu nước mắt đủ để đong đầy một người phụ nữ khi mà, nói như một “thuyết âm mưu”, những người phụ nữ thành đạt luôn bị gắn mác gia đình trục trặc, bất hiếu với bố mẹ chồng, bỏ bê việc nhà…
Tựa như có một ai đó, một “thế lực” nào đó âm mưu vùi dập từ trong trứng nước, tuyên truyền một tư tưởng “bệnh hoạn” rằng phụ nữ không được thành công. Thành đạt là liều độc dược cấm chỉ định với phụ nữ. Mà kỳ lạ là rất nhiều phụ nữ hưởng ứng.
Mà kỳ lạ là phụ nữ chỉ thích bênh vực cho những phụ nữ yếu thế hơn họ, còn người phụ nữ nào giỏi giang hơn họ là thành… phù thuỷ hết.
Bao nhiêu nước mắt… mà sao không phải là nụ cười? Việt Nam đã từng được vinh danh là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất cơ mà? Liệu có phải là bởi người ta cứ hời hợt với nhau về hạnh phúc, dễ thoả mãn và có tính cam chịu cao?
Họ tặc lưỡi lựa chọn giữa điều tệ hại và tệ vừa theo kiểu một cốc nước mía có mùi nước tiểu hay chọn một cốc nước tiểu thơm ngon như nước mía. Mà quên rằng họ có thể chọn một cốc nước mía thượng hạng đúng mùi nước mía.
Thế nên, nước mắt vẫn cứ là đơn vị đo lường cho người phụ nữ Việt thêm nhiều năm nữa. Cho đến khi những cô bé gái hôm nay được học về bình đẳng giới ngay từ khi bắt đầu nhận thức.
Cho đến khi phụ nữ ý thức về giá trị bản thân bao gồm cả những người phụ nữ khác quanh mình.
8/3. Hay 20/10. Ừ thì chúng ta vẫn cứ hân hoan, vẫn cứ tôn vinh, vẫn cứ công bố những số liệu đáng mừng đi. Hãy cứ coi như mỗi năm 2 bận tổng kết lại những điều ta đã làm được cho phụ nữ.
Chỉ là hãy làm chúng bằng lòng thiết tha dành cho phụ nữ, bằng sự khát khao về một ngày mai bình đẳng. Để không còn đong đếm một người phụ nữ bằng nước mắt nữa. Vậy thôi!