Ưu tiên máu cho bệnh nhân cần cấp cứu ngay
Những ngày đầu năm 2015, tình trạng thiếu nhóm máu O và nhóm máu A trên nhiều bệnh viện các tỉnh miền Bắc đang ở mức báo động. Nhiều bệnh nhân phải đợi qua nhiều ngày mới được truyền máu.
Đó là thông tin được chia sẻ từ ThS, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Theo bác sĩ Dương, nhóm máu O là một nhóm máu phổ thông hay gặp nhất, khoảng 45 - 46% dân số Việt Nam thuộc nhóm máu này.
Chính vì vậy, tỷ lệ người đau ốm trong cộng đồng có nhóm máu O cũng thường cao hơn. Ngoài ra, nhóm máu O là nhóm máu có thể truyền thay thế được cho tất cả các nhóm máu khác.
Do đó, trong quá trình sử dụng máu, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu, khó định nhóm máu hoặc khó tìm nhóm máu phù hợp… thì các cơ sở điều trị sẽ chỉ định truyền nhóm máu O thay thế.
Đó là hai lý do tự nhiên cơ bản dẫn tới tình trạng thiếu nhóm máu này.
Để phục vụ cho nhu cầu điều trị mỗi ngày cũng như công tác cấp cứu, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cần 1.200 - 1.500 đơn vị máu để cung cấp tới hơn 120 bệnh viện khu vực Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
ThS, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
“Tháng hè, tháng Tết là những tháng cao điểm về tình trạng thiếu máu. Thời tiết khó khăn, khắc nghiệt, các đơn vị bận nhiều, sinh viên bận ôn thi, thi cử hoặc nghỉ nên việc sản xuất máu chậm.
Thiếu máu là do thiếu người hiến máu” – ThS Dương khẳng định.
Tháng 12/2014, nhóm máu A thiếu trầm trọng. Tính riêng nhóm máu A, một ngày Viện phải cung cấp 140 – 150 đơn vị máu. Nhưng thực tế, thời điểm đó chỉ cung cấp được khoảng 100 đơn vị máu.
Cách đây một tuần, trong ngân hàng máu của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhóm máu A chỉ còn 4 đơn vị máu.
“Với một số bệnh viện ngoại khoa như Viện Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đề nghị các cuộc mổ phải có kế hoạch. Đồng thời hạn chế những trường hợp cấp cứu thông thường.
Trong nội khoa có nhiều bệnh nhân bị bệnh mãn tính thường xuyên, định kì phải truyền máu, thời gian chờ đợi để có máu phải kéo dài vài ngày.
Lượng máu đó được ưu tiên cho những bệnh nhân nội khoa cần cấp cứu ngay, ví dụ xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, ra máu cấp…” – ThS Dương chia sẻ.
Vận động người nhà bệnh nhân hiến máu
Thực tế cho thấy, thời điểm nào cũng có người gặp tai nạn, thời điểm nào cũng có người bệnh nặng cần mổ, có những người thiếu máu cần truyền, thời điểm nào cũng có người sinh đẻ…
Để giải quyết vấn đề đó phải có lực lượng người hiến máu đầy đủ. Tuy nhiên, theo các thống kê hiện nay, 70% lượng máu cung cấp cho Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng như cung cấp cho các đơn vị trên toàn quốc là từ học sinh - sinh viên.
Bác sĩ Dương mong muốn: “Mỗi người dân tự lên kế hoạch hiến máu. Không phải chọn thời điểm mình phù hợp nhất mà nên chọn thời điểm nhu cầu xã hội và người bệnh cần nhất là vào ngày hè và ngày Tết.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương, cơ quan đoàn thể… cùng nhân dân tổ chức hoạt động hiến máu.
Vận động người nhà bệnh nhân hiến máu cũng là một trong những cách tăng lượng máu dự trữ".
Những em bé bị bệnh tan máu bẩm sinh như em Hoàng Minh Ngọc (4 tuổi, Yên Thế, Bắc Giang) rất cần có máu để được truyền theo định kì.
Tuy nhiên, ThS Dương chia sẻ: “Trong số những bịch máu dự trữ, có khá nhiều bịch máu của người nhà bệnh nhân. Điều ấy đồng nghĩa, Viện không đủ khả năng cung cấp máu.
Không có lượng máu từ các tình nguyện viên nên mới lấy máu người nhà. Nhưng cũng chỉ được 3 – 4 người nhà”.
ThS Dương khẳng định thêm: “Máu không để được lâu dài, chỉ được khoảng 1,5 tháng. Nếu không sử dụng sẽ bị hỏng.
Máu chúng tôi đang sử dụng tại thời điểm này là máu lấy của tháng 12”.
Có mặt tại khu vực tiếp nhận máu của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, rất nhiều người nhà bệnh nhân đang có mặt tại khu vực ghế chờ để đợi gọi tên mình vào hiến máu.
Từng hiến máu cho đồng đội khi còn trong quân ngũ, ông Hà Công Dậu (nhóm máu O, SN 1957, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, cháu ông đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì bệnh xuất huyết dạ dầy.
Khi được các bác sĩ vận động hiến máu để bổ sung cho ngân hàng máu, ông Dậu đã vận động các thành viên trong gia đình tham gia.
Qua quá trình kiểm tra sức khỏe, chỉ còn lại ông và 3 thành viên khác. Đây là lần thứ 2 ông tham gia công tác cứu người qua hình thức cho máu.
“Khi người bệnh cần máu nhưng không có máu để truyền, họ sẽ rất đau đớn trong quá trình chống chọi với bệnh tật. Bản thân các bác sĩ cũng vất vả” – ông Dậu nói.
Bị bệnh tan máu bẩm sinh cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Lan (nhóm máu A, Thạch Thất, Hà Nội), 2 tháng trở lại đây đều tới Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khám định kì.
“Các tháng trước, vào Viện tôi đều được truyền máu ngay. Nhưng đợt khám định kì này, tôi vào đây 8 ngày rồi mà chưa có máu để truyền.
3 ngày nay tôi truyền 3 chai đường” – chị Lan chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng trên, các ngày hội hiến máu kêu gọi, vận động người nhóm máu A và nhóm máu O hiến máu liên tục được diễn ra tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương từ 7h30 đến 20h (cả thứ 7 và Chủ nhật và các ngày hiến máu tại cộng đồng).