Xung quanh câu chuyện cô giáo Hà Thủy chấm điểm giỏi cho bài văn viết canh gà Thọ Xương là món ăn đặc sản Hà Nội đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Trên một số diễn đàn đưa ra nhiều ý kiến, bằng chứng để biện luận canh gà Thọ Xương chính là món canh gà, thuộc về ẩm thực Hà Nội.
Trên một số diễn đàn trích bài thơ “Tối ức Thọ Xương khang” (Nhớ nhất món canh gà Thọ Xương) của Dương Khuê được cho là có trong cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi (hiện đang được lưu giữ tại thư viện Nghiên cứu Hán Nôm).
Bài thơ này như sau: “Niểu niểu dao phong trúc/ Thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang/ Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương". Theo như những ý kiến trên thì đúng là có món ăn canh gà, đặc sản của Hà Nội xưa kia.
Bài văn về "Canh gà Thọ Xương gây xôn xao"
Soha News đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Vương Tâm để làm sáng tỏ hơn những quan điểm về canh gà Thọ Xương.
Nhà thơ Vương Tâm đưa ra quan điểm: “Từ ngàn xưa chúng ta đã được nghe được học và ngấm vào người câu ca dao Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” đó đơn giản là nói về cảnh đẹp của Hà Nội. Một cảnh đẹp xa xăm của tiếng chuông nơi làng Trấn Vũ, rồi lại văng tiếng gà gáy sang canh của Thọ Xương. Cảnh đẹp ấy mơ màng, huyền ảo.
Khi đặt vào trong cả bốn câu thơ
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Chúng ta dễ dàng hiểu được ý nghĩa thực từ “canh gà Thọ Xương”. Không có lí gì khi đang vẽ nên một bức tranh phong cảnh đẹp thơ mộng với gió đưa cành trúc, với tiếng chuông xa xăm, với khói sương mờ ảo, với tiếng chày vang vọng, với mặt nước Tây Hồ như mặt gương soi mà người ta lại thêm vào đó món ăn. Điều ấy chẳng ăn nhập gì vào cả bài thơ cả. Chính vì thế mà từ trước đến nay chúng ta vẫn hiểu canh gà Thọ Xương là tiếng gà báo lúc sang canh, rất hợp cảnh, hợp không gian, hợp thời gian và hợp với lòng người.
Mặt khác là người gốc Hà Nội, ông cũng khẳng định là chưa bao giờ nghe đến món canh gà Thọ Xương hay chưa? Nhà thơ cho rằng chỉ từ khi vụ việc điểm 8 kia thì người ta bắt đầu dựng lên, thêu lên một món ăn mới cho Hà Nội.
Nhà thơ Vương Tâm cũng chỉ ra rằng: “Nếu như thực sự có món canh gà nổi tiếng vùng đất Kinh kì được đi vào ca dao bất hủ như vậy thì lẽ nào lại không có sử sách nào ghi lại món ăn này. Trong những cuốn sách cổ về món ăn Hà Nội tôi cũng chưa bao giờ thấy nhắc đến món canh gà nào mang tên Thọ Xương cả. Nếu có thật thì ngay tại vùng đất Thọ Xương phải được lưu truyền lại chút ít đến ngày hôm nay chứ đâu có biệt tăm âm tích vậy”.
Nhà thơ Vương Tâm cho rằng điểm giỏi được chấm cho bài văn viết đặc sản Hà Nội món canh gà Thọ Xương có hai lí do hoặc do cô giáo tắc trách trong việc chấm điểm, cứ thế cho điểm tù mù mà không đọc kĩ bài, hoặc do cô giáo này có cái nhìn chưa thấu đáo về văn học cổ. “Nếu cô giáo kia thực sự cho rằng có món canh gà mà giảng cho học sinh thì thật là cách hiểu ấy quá thô tục với những vần thơ tuyệt đỉnh kia”- ông khẳng định.
Cùng với quan điểm của nhà thơ Vương Tâm, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đã chia sẻ với báo chí khẳng định rằng trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm không có bài thơ Tối ức Thọ Xương Khang.
Bài thơ nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo (mang ký hiệu VHv. 2482, đang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) mang tên Hà Nội tứ cảnh với 4 câu thơ chữ Nôm có ghi: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh (更) gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Khi đó chữ canh (更) nói về gà báo sang canh. Viện trưởng Trịnh Khắc Mạnh đã khẳng định cách hiểu tiếng gà báo canh là chính xác hơn cả.