Bài cúng được nhiều người sử dụng trong ngày Tết Trung thu

B. Bình |

Rằm tháng 8 là một trong những lễ tiết quan trọng của người Việt. Lễ cúng thường được thực hiện vào đêm rằm hay còn gọi là Tết Trông trăng.

Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Nó thể hiện ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu.

Theo phong tục người Việt, ngoài các hoạt động dành cho trẻ em, trong dịp này người ta còn làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.

Lễ vật: Hoa quả, nhang đèn, nước trà, bánh cốm, bánh dẻo, bánh Trung thu...

Văn cúng tổ tiên ngày Tết Trung thu:

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật

- Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn Thần

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại

Tín chủ (chúng) con là:..........................

Ngụ tại:………………………..

Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ.................., cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô A-di-đà Phật.

Tục xưa truyền lại rằng: Vào một đêm rằm tháng 8, trăng sáng như gương, bầu trời bao la huyền ảo, nhà vua nhìn lên trời và nảy ra ý muốn lên thăm Cung Trăng.

Pháp sư đi theo nhà vua liền ném chiếc gậy đang chống lên không trung, chiếc gậy liền biến thành một chiếc cầu bằng bạc đưa nhà vua cùng pháp sư lên Cung Trăng.

Vào đến "Phủ thanh hư Quảng Hàn", nhà vua và pháp sư được tiên nữ Hằng Nga đón tiếp nồng hậu.

Hằng Nga sai tiên nữ mang bánh Tiên đến mời hai vị và lệnh cho các tiên nữ múa hát để nhà vua xem.

Sau khi về trần gian, đế tưởng nhớ ngày này, hàng năm vào rằm tháng Tám, nhà vua sai làm "bánh Tiên"- bánh có hình tròn như mặt Trăng nên còn gọi là "bánh Trăng".

Khi trăng rằm toả sáng, nhà vua cùng quần thần ngắm trăng ăn bánh. Từ đó hình thành tục ăn Tết Trung thu.

Theo phong tục dân gian, ngày Tết Trung thu, nhà nhà đều treo đèn kết loa rước đèn, ngắm trăng và làm "bánh Trăng" – ngày nay là bánh nướng, bánh dẻo để cúng tổ tiên.

Tổng hợp

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại