Bạch Hải Đường và vụ cướp 100 cây vàng

Theo CA TP.HCM |

Đây là vụ cướp duy nhất Bạch Hải Đường dùng đến súng.

Như đã đề cập trong "Sự thật về tướng cướp Bạch Hải Đường (Phần 8), Bạch Hải Đường (BHĐ) đã bị lực lượng của Thị đội Long Xuyên vây bắt tại hẻm Ba Lâu vào ngày 22-3-1980.

Một ngày trước đó, BHĐ cùng hai tên đồng bọn đã thực hiện vụ cướp táo tợn 100 cây vàng ở khu vực biên giới.

Khi BHĐ chia tay với hai đồng bọn về Long Xuyên tụ tập chiến hữu ăn mừng chiến thắng thì bị bắt. Đây là vụ cướp duy nhất có trong hồ sơ về “tướng cướp Bạch Hải Đường” mà chúng tôi thu thập được. Đây cũng là vụ gây án duy nhất mà BHĐ đã dùng đến... hàng nóng.

Đầu năm 1980, linh cảm điều chẳng lành sẽ đến sau nhiều năm sống ngoài vòng pháp luật (lúc đó BHĐ vẫn là một đối tượng hình sự trốn khỏi trại giam Ty an ninh Long Châu Hà vào ngày 31-8-1975, sau khi y bị bắt ngày 23-6-1975 - NV), BHĐ muốn làm tròn hiếu nghĩa với mẹ và các em. BBĐ về Bạc Liêu thăm mẹ khoảng một tháng rồi lại ngược lên Sài Gòn thăm hai đứa em gái đang ăn học ở đó.

“Tôi thăm hai đứa em rồi ở lại Sài Gòn khoảng một tháng, sau đó về lại Cần Thơ. Tôi gặp lại tên Hải, là bạn làm ăn của tôi trước đó. Hai đứa hỏi thăm công việc làm ăn của nhau” - BHĐ nhớ về những ngày trước khi quyết định lên biên giới thực hiện vụ “làm ăn lớn”.

BHĐ và Hải ngồi ôn lại chuyện xưa, rồi những tháng ngày lênh đênh khắp miền Tây để hành “nghề”. Cầm ly rượu đế nhìn về phía xa xăm, Hải nói vu vơ:

- Ở biên giới giờ người ta làm ăn giàu có lắm. Nếu mày có gan lên đó làm một mẻ là sống vững vàng. Mày có đi không?

- Giàu như thế nào? Bạch Hải Đường có vẻ tò mò.

- Dạo này nhiều người về đó tập kết tìm đường vượt biên, có thêm bọn buôn lậu vàng... Nên nhiều người mang vàng lên đó lắm.

- Liệu có làm nổi không?

Hải vỗ vai BHĐ:

- Truyện Long Xuyên mà cũng sợ hả? Tao tin vào bản lĩnh của mày!

BHĐ nốc cạn ly rượu rồi đanh giọng:

- Tao đồng ý đi lên đó với mày!

Hai tên chia tay ra về. Hai tuần sau BHĐ và Hải gặp lại bàn kế hoạch:

- Mày còn khẩu súng nào không? Hồi đó mày lấy được mấy khẩu còn giữ lại không?

- Có. Tao còn một khẩu colt 45 để bên nhà thằng Việt ở Cần Thơ, một khẩu K59 để nhà thằng Hòa ở bến phà Bắc An Hòa. Khẩu colt 45 là do thằng Thành, trung sĩ thiết giáp chế độ cũ, sau giải phóng không giao nộp mà cho tao vào năm 1978. Còn khẩu K59 do Triệu, hạ sĩ thiết giáp cũ đưa, tao gửi nhà thằng Hòa.

Nghe xong. Hải có vẻ phấn khởi:

- Tốt rồi. Tao cũng có một khẩu. Bây giờ mày về lấy “hàng” đi.

“Trước khi lên biên giới, tôi ghé về Bạc Liêu thăm mẹ tôi. Sau đó tôi lên Cần Thơ, đến nhà của Việt, nơi tôi giấu súng để lấy súng.

Việt đi vắng. Tôi tự ra sau nhà, nơi tôi chôn súng đào lên, bọc vào túi nylon rồi nhét vào bụng, ra quán phở gần bến xe kêu phở ăn ngồi chờ Hải.

Một lúc sau Hải ra, hai đứa bắt xe qua Long Xuyên, vào ăn cơm ở Long Xuyên. Ăn xong, tôi kêu Hải ngồi đó chờ, tôi đi vào nhà của thằng bạn là Mực ở Cầu Quây để thăm con bồ tôi là Lương.

Đến đó, không có Lương ở nhà, Mực nhờ em nó đi tìm Lương về cho tôi gặp. Gặp xong một lúc, tôi ra với Hải rồi hai đứa bắt xe đò đi Châu Đốc” - BHĐ thuật lại ngày hai tên chuẩn bị “hàng nóng” để đi biên giới.

Lận hai cây súng trong người, hai tên đón xe đò lên Châu Đốc. “Lên tới Châu Đốc trời đã tối rồi, tôi với Hải đến nhà Lượm, “chiến hữu” của tôi ở đó. Ba thằng mua mấy hột vịt lộn, mấy xị rượu về nhậu lai rai một lúc rồi Lượm mắc màn cho tôi với Hải ngủ.

Bốn giờ sáng tôi với Hải thức dậy đi đến bờ sông, nơi có cái quán cà phê, dưới sông có mấy chiếc ghe. Tôi với Hải vào quán cà phê trên ngồi thì tình cờ gặp lại anh nuôi của tôi là Hùng, Nguyễn Văn Hùng, tự Hùng “râu”, kết thân với nhau lúc ở trong tù” – BHĐ kể.

Hùng “râu” mừng quá, đưa BHĐ và Hải về chiếc ghe của Hùng ở gần đó rồi kêu vợ đi mua gà về làm cơm đãi khách. Khi ăn cơm, ba tên bàn chuyện sắp “làm ăn”. Nghe ý định của BHĐ và Hải, Hùng “râu” thì thầm:

- Trong số ghe đậu dưới sông, có một chiếc ghe rất lạ. Không biết nó làm thứ gì mà vàng nhiều lắm, để trong bọc đen. Dưới ghe chỉ có một người đàn ông, một người đàn bà.

Rồi Hùng “râu” quay ra hỏi:

- Hai chú lên đây bằng tay không hả. Hai chú có súng không? Vùng này hiện có nhiều anh chị có máu mặt lắm...

BHĐ và Hải  không trả lời Hùng “râu” mà liếc mắt nhìn nhau rồi móc hai khẩu súng ra cho Hùng xem. Hùng vỗ vai BHĐ:

- Được đấy, anh yên tâm!

Ăn cơm xong, Hùng “râu” dẫn  BHĐ và Hải đến gần chiếc ghe đó quan sát kỹ càng xung quanh. Sau đó, ba tên về lại nhà Hùng nhậu tiếp. Nhậu xong, cả ba lim dim ngủ một lúc.

Khoảng 1 giờ sau (21-3-1980), BHĐ bật dậy bảo Hùng “râu” tắt hết đèn trên ghe, ngồi đấy chờ. Còn BHĐ và Hải tiến về hướng chiếc ghe “mục tiêu” hồi chiều. BHĐ nhảy xuống ghe trước, Hải xuống sau. Chiếc ghe vẫn đóng cửa.

BHĐ mở rèm cửa, đảo mắt nhìn. Bên trong, một người đàn ông và ba người đàn bà đang ngủ say sưa. Một chiếc đèn leo lét để ở góc chiếc ghe, vừa đủ để nhìn thấy tất cả những gì bên trong.

Cả hai tên xông vào, chĩa hai họng súng đen ngòm về phía những người đang nằm. Hải ra lệnh:

- Nằm yên! Ai la tao bắn chết!

Mấy người trên ghe biết chuyện chẳng lành nên ngồi bật dậy, ôm đầu gối run rẩy. BHĐ nhìn kỹ hơn từng người một: “Người đàn ông mặc áo thun trắng, tay đeo đồng hồ và một vòng vàng. Ba người đàn bà tướng cũng sang, cổ đeo dây chuyền, ngón tay đeo nhẫn vàng” (lời khai của BHĐ sau này).

Hải cầm súng đứng canh, BHĐ lao nhanh như sóc về cái túi màu đen như lời Hùng “râu” mô tả lúc ở nhà. Một người đàn bà thấy vậy chồm người định giữ cái túi, nhưng vì sợ quá nên lại thu mình ngồi yên. Cử chỉ của bà ta khiến BHĐ càng tin rằng cái túi có giá trị thế nào.

Y cầm cái túi lên, thấy nặng trịch và tin chắc đó là vàng. BHĐ mở cái túi ra, thò tay vào quấy một vòng. Những miếng kim loại bọc niyon cột thành từng bó nhỏ, hắn mừng thầm.

Bước lui về phía cửa ghe, hai tên cướp vẫn hướng họng súng vào bốn người trên ghe. BHĐ trở ra cùng với cái túi trên tay. Hai tên nhảy khỏi ghe, chạy bộ về chỗ ghe của Hùng “râu”.

Về tới ghe của Hùng, ba tên đóng cửa ghe lại và đổ vàng ra đếm.

Vàng được đúc thành từng miếng bằng hai ngón tay, dẹp, dài độ năm phân. Trên mỗi miếng vàng có in chữ Hồng Kông - Hà Nội - Sài Gòn - Kim Thành...

“Tôi đếm tất cả được một trăm cây. Tôi đưa cho anh Hùng 10 cây, Hải 40 cây còn tôi giữ 50 cây. Tôi bỏ vàng vào bịch nylon rồi nhét vào bụng, nịt chặt lại. Còn súng tôi nhét sau lưng.

Tôi với Hải chia tay anh Hùng và hẹn gặp lại. Hai đứa ra bắt xe ôm về Châu Đốc. Lúc này khoảng ba giờ sáng. Đến bến xe Châu Đốc, chỉ còn một người chạy xe ôm đang ở đó. Hai đứa kêu xe ôm chở ra bến đò Châu Đốc, gọi một chiếc xuồng máy đưa qua sông để về Long Xuyên.

Khi qua bờ, tôi rủ Hải về Long Xuyên, nhưng Hải bảo tôi đi một mình, vì Hải ở lại gặp anh Lượm có việc cần nhờ anh ấy giúp đỡ” –  BHĐ kể về đêm cướp vàng ấy.

Trước khi đi, Hải dặn dò BHĐ: “Mày đi đi. Có số vàng này rồi, về nhà lo làm ăn, nuôi vợ con. Đừng có làm gì bậy bạ nữa”.

Hai tên chia tay nhau. BHĐ nói về lý do vì sao Hải không về cùng: “Tôi biết Hải đến gặp anh Lượm vì Hải nghe anh Lượm nói dạo này hay đưa người vượt biên lắm. Một người đi tốn khoảng ba cây vàng. Có lẽ Hải đã tính đi từ trước, giờ có vàng nên đến gặp anh Lượm để đi. Tôi bắt xe về Long Xuyên trong đêm...”.

Về đến Long Xuyên, BHĐ gặp một đối tượng tên Cọp và đưa khẩu súng cho Cọp: “Mày cất giùm súng đi rồi tao tính”. Cọp đem giấu súng. BHĐ về khu vực xóm nhà y ở hẻm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu để “ăn mừng chiến thắng”.

Khi bọn chúng vừa cho bữa liên hoan bắt đầu thì “Có mấy ông bộ đội cách mạng đến nhà. Một ông ra lệnh: Ai ở đâu ngồi yên đó! rồi móc súng chĩa về phía tôi. Tôi thấy vậy ngửa người lăn ra cửa sau nhà bỏ chạy.

Tôi chạy được mấy bước thì nghe tiếng súng nổ. Tôi thấy chân mình đau buốt, vì bị trúng đạn. Tôi chui dưới sàn nhà rồi chạy lên đường lộ để thoát thân.

Qua đường Thoại Ngọc Hầu, tôi chạy được khoảng vài trăm mét thì có mấy người khác chặn tôi lại.  Tôi đánh với mấy người này để chạy, nhưng tôi bị thương nặng. Mấy ông bộ đội đến bắt tôi và còng tay tôi lại, đưa tôi về Thị đội Long Xuyên” - BHĐ kể lại vụ việc xảy ra đêm  22-3-1980, khi y bị các đồng chí ở Thị đội Long Xuyên bắt.

(Còn tiếp)

Truyền kỳ về tướng cướp Bạch Hải Đường

Tướng cướp Bạch Hải Đường đã nổi tiếng trong dư luận Sài Gòn suốt mấy mươi năm qua. Nhiều câu chuyện theo đó được thổi phồng, thêu dệt về sự “xuất quỷ nhập thần” của y như tự tháo còng tay - chân, đào tẩu khỏi trại giam...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại