Bạc Liêu, Cà Mau "hết tiền, thiếu nợ": Vì đâu?

Hoàng Đan |

Đại biểu Hoàng cho rằng, điều quan trọng trong vụ việc một số địa phương "hết tiền, thiếu nợ" là cần minh bạch và công khai các khoản chi để nhân dân và cơ quan chức năng biết.

Yêu cầu minh bạch

Hết tiền hoạt động, nợ không có nguồn chi trả là tình trạng đang xảy ra tại Thành ủy Bạc Liêu và UBND TP Cà Mau. Sự việc gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) cho hay, khi đi tiếp xúc cử tri, ông có nghe anh em phản ánh bị chậm nhận tiền phụ cấp và ông đã có ý kiến nhắc nhở UBND thành phố Cà Mau, nhưng họ cho biết không có chuyện đó.

Theo đại biểu Hoàng, bản thân ông cũng từng kinh qua một số vị trí quản lý, nhưng ông chưa từng thấy một đơn vị cấp thành phố nào bị rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách lên đến con số hàng chục tỷ đồng như thông tin đã đưa.

"Các khoản nguồn chi liên quan đến con người như lương, phụ cấp thì không được phép chi cho các mục đích khác", ông Hoàng nói.

Có ý kiến cho rằng nguồn thu ngân sách của một đơn vị bao giờ cũng được tính toán khá kỹ và có thể chỉ sai lệch một phần nhỏ, nhưng UBND TP Cà Mau đã bị hụt thu một số lượng khá lớn, vậy phải chăng việc dự toán thu của đơn vị này đã quá xa thực tế?

Trước ý kiến này, ông Trương Minh Hoàng nhìn nhận, việc dự toán thu của một đơn vị UBND TP do UBND tỉnh phân bổ chứ UBND TP không có quyền quyết định.

"Trên thực tế, một số nguồn thu của cả tỉnh cũng bị thất thu chứ không phải riêng UBND TP Cà Mau", ông Hoàng nói.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, nếu các thông tin là đúng sự thật thì các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm tổ chức các đoàn kiểm tra để phân định đúng sai.

"Sự việc cần được báo cáo chi tiết để công luận được biết. Điều quan trọng là cần minh bạch và công khai các khoản chi để nhân dân và các cơ quan chức năng được biết.

Cụ thể là thường xuyên có báo cáo minh bạch về tình hình chi tiêu ngân sách ngắn hạn, đồng thời các cơ quan quản lý cần tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát.

Từ sự minh bạch, xử lý nghiêm sẽ củng cố thêm niềm tin của nhân dân và chỉ có cách đó mới hạn chế được các sai lệch quá lớn trong việc sử dụng và chi tiêu ngân sách", ông Hoàng nêu rõ.

Siết chặt chi tiêu công

Cùng trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chuyện nợ nần xảy ra ở thành ủy Bạc Liêu hay UBND TP Cà Mau chỉ là những ví dụ cho tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Đồng thời, những con số nợ nần như vậy được công bố sẽ làm người dân cảm thấy ngán ngẩm.


Đại biểu Bùi Đức Thụ.

Đại biểu Bùi Đức Thụ.

Theo ông Thụ, thực tế, việc chi phát sinh tại các địa phương dẫn đến tình trạng chi vượt quá thu và địa phương không cân đối được cũng đã xuất hiện trong những năm qua.

Sở dĩ có tình trạng này là do chất lượng xây dựng dự toán chưa thật sát, chưa lường hết được vấn đề phát sinh trong việc điều hành ngân sách trong năm, do đó dẫn đến một số khoản chi thường vượt so với dự toán.

Cùng với đó, trong điều kiện chi không vượt dự toán, thực hiện đúng bằng dự toán nhưng do lập dự toán thu không sát với thực tiễn, dẫn đến thu bị hụt thì vẫn xảy ra chênh lệch thu – chi (bội chi) ngân sách địa phương sẽ gia tăng.

"Năm 2015 là một năm đặc biệt, với nhiều lễ kỷ niệm, do vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến làm tăng chi.

Do đó, tôi cho là 2 đơn vị trong 2 tỉnh thành phía Nam có tình trạng chi tăng so với dự toán, một số khoản thu hụt so với dự toán, nên dẫn đến không cân đối được ngân sách địa phương cũng là điều tất nhiên thôi", ông Thụ nói.

Theo ông Thụ, để chấn chỉnh tình trạng này, cần phải xem trách nhiệm của những người đứng đầu.

"Bây giờ phải xem xem tình trạng để chi vượt thu dẫn đến khó khăn cho cân đối ngân sách của các địa phương này xuất phát từ đâu.

Phải làm rõ được nguyên nhân của tình trạng đó, xem nguyên nhân đó có phải là nguyên nhân chủ quan do quản lý điều hành ngân sách không.

Nếu do nguyên nhân chủ quan trong quản lý điều hành ngân sách thì bây giờ mới xem xét trách nhiệm cá nhân được. Còn nếu do nguyên nhân khách quan thì không thể nào xem xét được trách nhiệm cá nhân.

Đặc biệt, vấn đề cấp bách là phải tăng cường kỷ luật tài chính, siết chặt chi tiêu công, đặc biệt trong bối cảnh bội chi cao liên tục trong nhiều năm, nợ công ngất ngưởng tiến sát trần.

Các biện pháp chế tài đối với những hiện tượng này đã được quy định rõ ràng, vấn đề còn lại là phải thực hiện thật nghiêm túc, nơi nào sai phải xử lý triệt để", ông Thụ nhấn mạnh.

Trước đó, như báo chí đã phản ánh, tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ giữa lãnh đạo cũ cho lãnh đạo mới thì Thành ủy Bạc Liêu đang còn khoảng 2,8 tỉ đồng công nợ.

Trong khi dự toán ngân sách năm 2015 cho Thành ủy Bạc Liêu chỉ xấp xỉ 1,6 tỉ đồng để chi tiêu trong 5 tháng, không đủ trả lương và tiền điện nước, không còn tiền để hoạt động.

Còn tại TP.Cà Mau, ngoài gần 47 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản, địa phương này còn nợ Bảo hiểm xã hội 11 tỉ đồng, nợ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau 14 tỉ đồng.

Phương án thường xuyên được địa phương này sử dụng là xin tạm ứng ngân sách năm sau để “đập” vào khoản chi trả của năm trước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại